Các địa phương khắc phục hậu quả mưa bão

Các địa phương bị ảnh hưởng do bão số 4 đang khẩn trương khắc phục hậu quả khi cơn bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào sáng sớm ngày 13/9.

Các khu vực nhà bạt của (ABG5) bị bão gió làm hư hỏng nặng ở thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 4, từ tối 11 đến đêm ngày 12/9 trên địa bàn có mưa to đến rất to. Mưa bão đã làm một người chết là ông Nguyễn Hùng (42 tuổi, trú tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Theo điều tra ban đầu của Công an huyện Bình Sơn, khoảng 2 giờ ngày 13/9, ông Nguyễn Hùng ra hồ tôm quay máy nổ sục khí hồ. Áo mưa bị gió mạnh thổi bị quấn vào trục máy sục khí, kéo theo cả người ông Hùng khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Bão số 4 đã làm trôi một cầu gỗ dài khoảng 200 m ở xã Bình Dương; làm ngập úng 5 ha lúa đang giai đoạn chắc xanh tại cánh đồng Cầu Đập Đá, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn.

Trước đó, ngày 12/9, biển động gây sóng lớn đã đánh chìm 3 tàu cá của ông Nguyễn Tấn Đạt, Nguyễn Ca và Phạm Văn Hùng (đều ngụ xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi) đang trên đường vào bờ tránh trú. Tất cả 10 thuyền viên trên 3 tàu đều được cứu hoặc may mắn bơi được vào bờ.

Cây xanh khu vực cầu Rồng, thành phố Đà Nẵng bị ngã đổ. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Tại Đà Nẵng, đến sáng 13/9 tmưa đã giảm trên diện rộng, gió cũng đã lặng. Mọi sinh hoạt của của người dân Đà Nẵng diễn ra bình thường.

Trước đó, khoảng 23 giờ ngày 12/9, do ảnh hưởng của bão số 4, tại Đà Nẵng trời bắt đầu nổi gió và có mưa. Tuy nhiên, mưa và gió không lớn. Một số khu vực ở các quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê bị mất điện trong thời gian ngắn. Một số cây xanh bị ngã đổ, bật gốc trong đêm... đã được công ty môi trường khẩn trương thu gom. Học sinh các cấp vẫn được nghỉ học ngày 13/9 theo chỉ đạo tại Công điện số 1 của UBND thành phố Đà Nẵng ngày 12/9.

Dự kiến ngày 13/9, mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đạt mức 3,98m (dưới báo động 1 2,52m), sông Thu Bồn tại Giao Thủy đạt mức 3,17 m (dưới báo động1 1,12 m). Từ trưa và chiều 13/9, dự kiến mực nước trên các sông trên địa bàn tiếp tục lên, đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

* Rạng sáng 13/9, do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy khiến nhiều nhà dân bị đổ sập hoàn toàn hoặc bị tốc mái, nhiều cây cối bị ngã đổ...

Các xã Hải Trường, Hải Thành thuộc huyện Hải Lăng, xã Triệu Vân thuộc huyện Triệu Phong, xã Trung Giang thuộc huyện Gio Linh, xã Cam Tuyền thuộc huyện Cam Lộ là những địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất do lốc xoáy với hàng chục nhà bị tốc mái, một số nhà bị đổ sập. Đặc biệt, lốc xoáy đã khiến 6 người ở xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) và xã Hải Trường (huyện Hải Lăng) bị thương. Hiện, công tác thống kê và khắc phục hậu quả đang được các địa phương khẩn trương triển khai.

Có mặt tại huyện Hải Lăng chỉ vài giờ đồng hồ ngay sau khi cơn lốc xoáy đi qua, phóng viên TTXVN chứng kiến khung cảnh xơ xác với nhiều ngôi nhà bị tốc mái, cây cối đổ ngã ngổn ngang, nhiều cây nằm chắn ngang đường khiến giao thông bị đình trệ. Ông Lê Văn Lạp, thôn Mỵ, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng cho biết: Vào khoảng 6 giờ ngày 13/9, cơn lốc xoáy quét qua khiến ngôi nhà của gia đình ông bị đổ sập hoàn toàn. Vợ ông Lạp cũng bị thương do tấm bê tông rơi trúng chân.

Ngay sau khi xảy ra lốc xoáy, ông Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đã đến các địa phương bị thiệt hại để kiểm tra, động viên người dân khắc phục hậu quả. Các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang tại các địa phương cũng đang khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lốc xoáy.

Tại Quảng Bình, Đồn Biên phòng Ròon, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 4, một tàu cá cùng 7 ngư dân đã bị sóng đánh chìm khi đang trên đường tránh trú bão.

Khoảng 3 giờ ngày 13/9, tàu cá mang số hiệu QB 93031 TS của anh Lê Văn Công (ở thôn Xuân Hải, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cùng 7 thuyền viên đang trên đường tránh trú bão thì bị sóng đánh chìm và trôi dạt vào gần bờ biển thuộc xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. 7 thuyền viên đã bơi vào bờ an toàn, tàu bị hư hỏng nặng. Các lực lượng chức năng cùng người dân đang nỗ lực cứu hộ để đưa tàu lên bờ.

Đến ngày 13/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi hơn 3.770 tàu với hơn 14.400 lao động vào bờ tránh bão an toàn.

Tại Đắk Lắk, do ảnh hưởng của bão số 4, từ tối 11 đến sáng 13/9 có mưa to trên diện rộng, mực nước ở các sông, suối bắt đầu dâng cao, nhất là các huyện phía Bắc, Tây Bắc của tỉnh như Ea Súp, Ea H’Leo, Krông Năng… Nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, tỉnh Đắk Lắk đã tuyên truyền, vận động di dời hàng chục hộ đồng bào ở gần các sông, suối, vùng dễ bị lũ quét lên sinh sống ở các vùng cao hơn.

Khi mùa mưa lũ đến, tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân không ở qua đêm tại các nương rẫy gần suối dễ bị lũ quét, sạt lở đất. Các địa phương cũng xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho những hộ dân có nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chủ động phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ.

Bên cạnh đó, các địa phương chủ động rà soát lại các công trình thủy lợi có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn để có kế hoạch đề xuất sửa chữa, khắc phục. Tỉnh cũng tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đúng quy trình; đồng thời, xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du khi xả lũ hoặc vỡ đập nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân…

TTXVN/Tin Tức
Bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Sáng sớm nay (13/9), sau khi đi vào đất liền Quảng Nam-Quảng Ngãi, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN