Ngay sau khi nhận được thông tin voi rừng xuất hiện, chính quyền xã Châu Hạnh đã thành lập đoàn kiểm tra có mặt tại hiện trường để thống kê thiệt hại và có phương án hỗ trợ các hộ dân có diện tích hoa màu bị voi rừng phá hoại; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp thủ công, truyền thống để bảo vệ tính mạng và tài sản; tiến hành xua đuổi voi trở lại rừng bằng cách đánh trống chiêng, bật nhạc, đốt lửa..., tuyệt đối không được sử dụng hung khí để tấn công, bắn giết voi rừng. Tuy nhiên, việc xua đuổi voi rừng gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp.
Tại Nghệ An, voi rừng không chỉ xuất hiện ở huyện Quỳ Châu, mà ở một số huyện khác như Con Cuông, Thanh Chương, Anh Sơn, Tương Dương cũng đã từng xuất hiện voi rừng về phá hoại cây cối, hoa màu của người dân.
Hiện quần thể voi rừng ở Nghệ An ước còn từ 13 đến 14 con, được tách thành 4 đàn nhỏ, phân bố ở 2 khu vực Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Voi rừng là loại động vật được đưa vào danh mục Sách đỏ Việt Nam cần bảo vệ khẩn cấp.