Bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo

Vượt qua hơn 1.100 hồ sơ, 12 người chúng tôi trở thành những tình nguyện viên của chương trình Chăm sóc và bảo tồn rùa biển của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Côn Đảo. Chúng tôi được phân về ba đảo lớn, có nhiều rùa lên sinh đẻ gồm: Hòn Bảy Cạnh, hòn Tre Lớn và hòn Cau. Những ngày ở Bảy Cạnh để lại kỷ niệm khó quên trong chúng tôi về những chú rùa biển (hay còn gọi là con vích).

Hứng trứng rùa

Công việc của chúng tôi thường bắt đầu từ lúc nửa đêm và kết thúc khi trời vừa sáng, tùy thuộc vào con nước. Những buổi đêm đi tuần cùng các chiến sĩ kiểm lâm trên bãi cát dài trắng mịn, nhìn từ xa các anh đã phát hiện ra dấu vết đường lên xuống của các chú rùa, trong khi chúng tôi phải căng mắt nhìn thật kỹ hoặc phải đến thật gần. Từ đường lên in hằn trên cát đó, chúng tôi sẽ kiểm tra xem rùa đang làm gì. Khi thì rùa đang đào ổ, khi thì đã đào xong và chuẩn bị đẻ, cũng có khi chúng tôi phát hiện ra thì rùa đã đẻ xong và lấp giấu ổ mất rồi. 

Các tình nguyện viên đo đạc, gắn thẻ cho rùa.

Công việc của chúng tôi được xem là nhàn nhất khi phát hiện ra rùa đã đào tổ xong và chuẩn bị đẻ. Bởi lúc ấy, chúng tôi chỉ cần đợi và hứng từng quả trứng sau đó bỏ vào rổ rồi di chuyển về hồ ấp. Khi phát hiện ra rùa đang chuẩn bị đào lỗ đẻ thì phải thật nhẹ nhàng, không được nói chuyện, không được chiếu đèn vì rùa có thể bỏ đi mất. Khó khăn nhất là khi phát hiện ra rùa đã lấp xong hố đẻ, chúng tôi phải đánh dấu lại rồi sau đó là cả một quá trình tìm, đào, bới để móc trứng lên. Hồ ấp là những hố cát đã được đào sẵn ở trung tâm bảo tồn rùa. Trứng từ những tổ tự nhiên sẽ được di dời vào đây để đảm bảo độ an toàn cũng như tăng tỷ lệ nở của rùa. Trứng lấy từ tổ được cho xuống hồ ấp và lấp cát lên. Sau khoảng 45 - 50 ngày, trứng sẽ nở thành rùa con. 

Mỗi đêm bãi cát dài, hòn Bảy Cạnh đón trung bình hơn chục rùa mẹ lên đẻ.

Công đoạn cuối cùng trong một đêm làm việc là thả những chú rùa con về với biển. Những chú rùa con sẽ được thả cách mặt biển khoảng 10 m để chúng có thể định vị được đường đi, âm thanh, ánh sáng để từ đó, sau 30 năm, chúng lại quay trở lại chính bãi cát này và sinh sản. Tỷ lệ rùa con sống sót chỉ là 1/1.000 nên nhìn những chú rùa con vừa nở giữa làn sóng biển, mới thấy quá trình sinh trưởng, phát triển của chúng gian truân làm sao. 

Những ngày ở Bảy Cạnh, chúng tôi được trải nghiệm biết bao điều mới lạ, từ cách làm sao để phát hiện được rùa dựa vào dấu hiệu đường lên và đường xuống in trên cát, làm sao để biết rùa đẻ chưa hay rồi, làm sao để móc trứng khi rùa đang đẻ, làm sao để đánh dấu rồi xăm tìm tổ trứng… Để lấy được trứng, chúng tôi phải đào cho mình một chỗ nằm ngay sau đuôi rùa. Để hứng trứng rùa, chúng tôi phải nằm bẹp xuống cát, vừa hứng vừa moi. 

Một chú rùa đang đẻ trứng vào tổ.

Mỗi lần nhoài người xuống là một lần mặt mũi, đầu tóc lấm lem cát, nhưng cái cảm giác cầm trên tay những quả trứng rùa còn nóng hổi thật thích thú và thật tự hào. Rùa đẻ xong cũng là lúc chúng tôi tiến hành công tác đo đạc và bấm thẻ cho rùa, bởi lúc này là lúc rùa mẹ nghỉ mệt, công tác bấm thẻ có thể được tiến hành thuận lợi hơn. Sau khi đo chiều dài và chiều rộng của mai, những chiếc thẻ sẽ được gắn vào đốt thứ 2 của bơi trước, cả bên phải và bên trái để có thể quản lý được những con rùa đã từng vào bãi đẻ. Cũng nhờ những chiếc thẻ này, những chú rùa Côn Đảo dù “lưu lạc” sang tận biển Malaysia kiếm ăn cũng vẫn được nhận dạng. 

Bảo tồn rùa khỏi…quy tặc

Hiện nay, tại vườn Quốc gia Côn Đảo có 14 bãi biển có rùa lên đẻ trứng với tổng diện tích các bãi đẻ trên hàng chục ngàn mét vuông. Hàng năm có trên 400 rùa mẹ lên làm tổ và trên 120.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển. Trong mỗi đợt sinh sản, rùa có thể lên bãi đẻ từ 2 đến 10 lượt, cách nhau tầm 10 - 14 ngày. Tỷ lệ trứng nở thành công đạt đến 87%. Từ năm 1994, Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã tiến hành công tác bảo vệ sinh cảnh làm tổ cho rùa biển, di dời ổ trứng về trạm ấp an toàn, kiểm tra và thả rùa con về biển; đồng thời nghiên cứu đặc tính sinh học thông qua việc đo đạc, bấm thẻ cho rùa.

Bãi cát dài nơi rùa lên đẻ trứng trên hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo.

Mùa rùa đẻ nhiều nhất thường bắt đầu từ tháng 5 đến khoảng tháng 9, tập trung tại một vài hòn lớn của Côn Đảo. Dù công tác bảo tồn rùa biển hiện đã được quan tâm nhưng lực lượng kiểm lâm vẫn còn mỏng, công việc vất vả nhiều khi không quản lý hết, lại thêm chưa có chế tài xử phạt các hành động bắt rùa, trộm trứng nên hoạt động này vẫn đang diễn ra khá thường xuyên. 

Rùa con sau 45 - 50 ngày sẽ nở và được thả trở về với biển.

Các sản phẩm từ rùa nói chung và đặc biệt là trứng rùa là những mặt hàng cấm lưu hành nhưng vẫn thu hút rất đông quy tặc nhờ vào lợi ích kinh tế cao. Do đó, công tác bảo tồn tại đây không hề đơn giản, tiềm tàng những hiểm nguy đối đầu. Trên thực tế, trứng rùa không hề bổ dưỡng như mọi người vẫn lầm tưởng bởi thành phần cholesterol trong trứng rùa cao hơn gấp 20 lần so với trứng gà vịt, là nguyên nhân gây bệnh máu nhiễm mỡ, đột quỵ, nhồi máu cơ tim nên việc ăn trứng và thịt rùa để bồi bổ là bịa đặt và không có căn cứ khoa học. Bên cạnh “quy tặc”, những nguy cơ đe dọa đời sống rùa biển do con người gây ra cũng đã không ít như mất bãi đẻ do hoạt động khai thác tài nguyên, bị đánh bắt hoặc vô tình dính lưới, do ô nhiễm từ rác thải, túi nilong…

Tác giả bên chú rùa vừa đẻ xong.

Rùa biển là một phần di sản quốc gia, là sứ giả của đại dương. Mỗi loài rùa biển có một vai trò quan trọng riêng trong hệ sinh thái mà chúng sinh sống. Hàng năm, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế đều phối hợp với Vườn quốc gia Côn Đảo tổ chức cho các đoàn tình nguyện viên ra tìm hiểu công tác bảo tồn rùa biển. Tuy nhiên, làm thế nào để công tác bảo tồn rùa biển, tránh khỏi nạn quy tặc thì cần sự chung tay của rất nhiều các cấp, ngành và đơn vị bởi công tác này rất quan trọng đối với việc giữ gìn sự cân bằng sinh thái, không chỉ đối với Côn Đảo mà còn đối với thiên nhiên của Việt Nam và Quốc tế.
Bài và ảnh: Thu Hương
Nhiều di tích ở Vĩnh Phúc "nằm" chờ bảo tồn
Nhiều di tích ở Vĩnh Phúc "nằm" chờ bảo tồn

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 1.300 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 455 di tích được xếp hạng, có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt. Do nhiều nguyên nhân, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã và đang xuống cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN