Tập huấn cho cán bộ khu bảo tồn.
|
Hiện dự án đã được thực hiện thành công và phát hiện được 159 cây Sến mật, 103.752 cây Re Hương, 16 cây Bách Xanh trưởng thành. Ban quản lý dự án đã phối hợp với Viện sinh thái tài nguyên sinh vật và Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam thực hiện nhân giống từ 109 cây mẹ (47 cây Sến Mật, 48 cây Re Hương, 14 cây Bách Xanh) thành 6.000 cây con. Các cây giống đang phát triển tốt, không bị sâu bệnh.
Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có 1.142 loài thực vật bậc cao, trong đó, 3 loài là Bách Xanh, Sến Mật, Re Hương thuộc dạng quý hiếm, nguy cấp. Những loài này có giá trị kinh tế cao nên nhiều người dân đã khai thác trái phép để lấy gỗ, cộng thêm khả năng tái sinh kém nên vùng phân bố 3 loài cây này đang có nguy cơ mất dần nguồn gen. Vì vậy, thực hiện dự án trên giúp bảo tồn 3 loài cây quý và phát triển kinh tế cho nhân dân thông qua trồng rừng, góp phần bảo tồn môi trường rừng sinh thái.
Ông Đỗ Ngọc Dương, Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cho biết, Ban quản lý dự án đã xây dựng 30 tuyến điều tra trên chiều dài trên 161 km; trong đó, tuyến ngắn nhất là 1,33 km để điều tra, thống kê các cây trưởng thành của 3 loài tại các tiểu khu rừng nhằm lập hồ sơ theo dõi, bảo vệ; đồng thời, điều tra, phỏng vấn 400 nguồn thông tin để đánh giá về thu thập các hộ dân, hộ nghèo, tình hình sử dụng đất nông, lâm nghiệp nhằm xác định các mối đe dọa từ cộng đồng đến 3 loài cây này.
Hiện dự án đã tổ chức tổ chức được 1 lớp tập huấn, 10 hội nghị về nâng cao nhận thức cho 10 thôn và chính quyền của 5 xã vùng đệm với 500 lượt người tham gia. Ban quản lý dự án cũng tổ chức được 6 câu lạc bộ bảo tồn đa dạng sinh học tại 6 trường học; in và cấp phát 680 bản Porter, 600 bộ tài liệu có nội dung tuyên truyền về bảo tồn 3 loài cây trên cho 10 thôn ở 5 xã và 6 trường học trên địa bàn. Các hoạt động này là cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, góp phần cung cấp nước cũng như bảo vệ tuổi thọ cho hồ thủy điện Cửa Đạt và đập Bái Thượng; bổ sung thêm giống cây trồng để phục vụ trồng rừng.
Thời gian tới, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên sẽ kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đầu tư kinh phí để Khu bảo tồn tiếp tục nghiên cứu, triển khai các hoạt động bảo tồn 3 loài cây trên, góp phần phát triển kinh tế cho nhân dân, xoá đói, giảm nghèo tại địa phương.
Theo báo cáo kết quả thực hiện dự án, Bách Xanh (Calocedrus macrolepis) hay mọc ở các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình. Tại các khu rừng Xuân Liên, cây rất hiếm gặp, chủ yếu mọc trên núi đất, đá vôi ở độ cao gần 1.800 mét và phân bố ở 2 dạng sinh cảnh, 4 tiểu khu rừng. Bách Xanh là cây thân thẳng, cao 25 mét, vỏ màu nâu đen, gỗ màu vàng nhạt, ít nứt, không bị mối mọt nên thường được dùng làm nhà, đồ nội thất và trong gỗ có nhựa, tinh dầu, mùn cưa nên được dùng làm hương thắp.
Loài Sến Mật (Madhuca pasquieri) thường phân bố ở các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Lào Cai, còn tại các khu rừng Xuân Liên, cây mọc ở độ cao từ 400-1.450 mét, phân bố ở 4 dạng sinh cảnh và 9 tiểu khu. Sến Mật là cây gỗ lớn, cao từ 25-45 mét, thân thẳng, quả hình bầu dục, gỗ cây được dùng trong ngành xây dựng, đóng tàu thuyền, hạt chứa chất dầu béo có thể ăn hoặc dùng trong ngành công nghiệp.
Còn loài Re Hương thuộc họ Long não, thường có ở các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang. Tại khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, cây mọc ở độ cao gần 1.450 mét, trên sườn núi có tán rừng và phát triển nhanh, cây phân bố tại 5 dạng sinh cảnh và các tiểu khu 484, 489, 497, 520. Gỗ Re Hương mềm, không bị mọt nên thường được dùng trong ngành xây dựng, làm đồ nội thất.