Các đại biểu tham gia tọa đàm. |
Thời gian qua, hàng loạt dự án phát triển hạ tầng du lịch đã được triển khai và đi vào vận hành tại nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng như ở Phú Quốc, Hoàng Liên… Điều này đã dấy lên sự lo ngại của công chúng về sự đánh đổi giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế.
Nhiều dự án khác dưới hình thức phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng… đã được đề xuất triển khai ở trong và xung quanh Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà, Vườn Quốc Gia Bạch Mã, Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng… Từ các dự án này, cộng đồng và tổ chức xã hội tiếp tục bày tỏ sự lo lắng liệu các lợi ích phát triển có từng bước đẩy các khu bảo tồn – với vai trò là công sản quốc gia – vào tình thế bị phá vỡ, hoặc thậm chí bị hủy hoại tính nguyên vẹn.
Tại cuộc tọa đàm “Khu bảo tồn thiên nhiên trước làn sóng du lịch”, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề mà dư luận quan tâm, đó là, trong bối cảnh phát triển du lịch nở rộ như hiện nay, các khu bảo tồn là địa bàn mục tiêu của các dự án phát triển du lịch, và việc bị ảnh hưởng là không thể tránh khỏi. Vậy làm thế nào để loại trừ hoặc hạn chế được thấp nhất các tác động tiêu cực của phát triển du lịch đến những khu bảo tồn? Pháp luật và chính sách hiện hành của Việt Nam còn kẽ hở và hạn chế nào có thể dẫn đến những rủi ro trước làn sóng phát triển du lịch? Đâu là chế tài, quy trình để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của phát triển du lịch...
Các đại biểu cũng thảo luận vấn đề liên quan đến sự chồng chéo, mâu thuẫn và bất hợp lý của pháp luật Việt Nam trong quản lý khu bảo tồn và lồng ghép phát triển trong bảo tồn thiên nhiên hiện nay; việc phân cấp, phân quyền và hợp tác giữa liên bộ ngành trong việc hoạch định chính sách, ra quyết định (đầu tư) và giám sát phát triển du lịch trong hệ thống các khu bảo tồn; yêu cầu xác lập các luận cứ khoa học cho các lựa chọn chính sách và quyết định phát triển du lịch trong các khu bảo tồn…
Trong bối cảnh Luật về Bảo vệ và Phát triển Rừng, Luật Thủy sản đang được sửa đổi và sắp tới là Luật Đa dạng Sinh học, việc trao đổi và nhìn nhận lại các vấn đề nêu trên là vô cùng cần thiết, nhằm đóng góp cho việc hoàn thiện luật pháp, tìm kiếm một giải pháp để hài hòa phát triển và bảo tồn thiên nhiên hợp lý và bền vững hơn trong tương lai.