Tăng cường năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn đến năm 2025, tầm nhìn 2030 với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn từ cấp trung ương đến cơ sở để đảm bảo bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Rừng tràm Trà Sư, tỉnh An Giang là khu bảo tồn hệ sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu và độc đáo nhất của hệ sinh thái đất ngập nước ở vùng ĐBSCL. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Nhiệm vụ chính của Đề án là xây dựng các chính sách phát triển nguồn lực quản lý khu bảo tồn, trong đó, rà soát, xây dựng và ban hành các quy định về mô tả vị trí việc làm của công chức, viên chức làm công tác bảo tồn và các chính sách khuyến khích công chức, viên chức công tác trong các khu bảo tồn và cơ quan quản lý khu bảo tồn; tổ chức hướng dẫn, triển khai và giám sát thực hiện các chính sách trên nhằm củng cố cơ cấu tổ chức và quản lý khu bảo tồn; rà soát, xây dựng và đề xuất ban hành chính sách đầu tư tài chính bền vững cho hoạt động của hệ thống khu bảo tồn phù hợp với luật chuyên ngành, Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công.

Bên cạnh đó, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm việc ở khu bảo tồn. Cụ thể, tăng cường năng lực đào tạo 01 - 03 cơ sở đào tạo có đủ năng lực để tập huấn và cấp chứng chỉ theo các chuyên đề về quản lý các khu bảo tồn; rà soát, đánh giá các trường chuyên ngành theo vùng, miền để chọn các đơn vị đủ năng lực để tổ chức các chương trình tập huấn và cấp chứng chỉ về các chuyên đề quản lý khu bảo tồn cho giai đoạn 2017 - 2020.

Rà soát kết quả và bài học kinh nghiệm đào tạo trong giai đoạn 2017 - 2018 và hoàn thiện một khung chương trình đào tạo chuyên ngành theo chuẩn năng lực ASEAN về các chủ đề theo mô tả vị trí, chức năng làm việc ở các khu bảo tồn; sử dụng tài liệu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt từ năm 2013 về các chuyên đề để tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo tồn.

Nhiệm vụ khác của Đề án là ứng dụng công nghệ tiên tiến hỗ trợ công tác quản lý khu bảo tồn, theo đó, xây dựng, ban hành và thực hiện Quy trình báo cáo trực tuyến nhằm hỗ trợ quản lý hệ thống khu bảo tồn Việt Nam trước năm 2018; đến năm 2020 có 50%, đến năm 2025 có 70%, tầm nhìn đến năm 2030 có 100% khu bảo tồn xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin giới thiệu khu bảo tồn trên trang web.

Đào tạo và áp dụng công cụ Quản lý dữ liệu và Báo cáo tuần tra (SMART) cho toàn hệ thống các khu bảo tồn nhằm cải thiện công tác quản lý cơ sở dữ liệu tuần tra và giám sát đa dạng sinh học của khu bảo tồn; xây dựng hệ thống theo dõi diễn biến tài nguyên và đánh giá hiệu quả quản lý của 30% (đến năm 2020) và 50% (đến năm 2025) các khu bảo tồn ở Việt Nam thông qua việc ứng dụng công nghệ viễn thám kết hợp SMART.

TTXVN
Tràn lan lấn chiếm đất rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu
Tràn lan lấn chiếm đất rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu

Tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ đã diễn ra trong nhiều năm liền, nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN