Thực tế cho thấy, sau khi được phong danh hiệu “Cây di sản”, các cây trăm tuổi đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía chính quyền cũng như người dân, đồng thời góp phần quảng bá một phần lịch sử, văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, để danh hiệu này đi vào thực chất, cần sự chung tay nhiều hơn nữa của cả cộng đồng trong việc bảo vệ cây.
Khơi dậy truyền thống bảo vệ cây
Theo TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), từ trước đến nay, ý thức chăm sóc, bảo vệ những cây trăm tuổi đã có ở nhiều địa phương trên khắp cả nước. Việc VACNE trao danh hiệu “Cây di sản” là nhằm khơi dậy ý thức bảo vệ trên toàn xã hội, biến nó trở thành một phong trào rộng khắp. Theo TS Sinh, thực tế sau 3 năm triển khai ý tưởng “Cây di sản”, ý thức bảo vệ cây của chính quyền địa phương cũng như người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân sau khi biết về cây di sản đã cảm thấy tự hào và thêm quý trọng cây hơn, từ đó không có những hành vi xâm hại đến cây.
Cây si 250 tuổi ở phủ Tây Hồ, Hà Nội trong ngày được vinh danh là Cây di sản. Ảnh do VACNE cung cấp |
Tại phủ Tây Hồ (Hà Nội), nơi có cây si cổ thụ hơn 250 tuổi, từ sau khi cây được trao tặng và gắn biển “Cây di sản”, ý thức của du khách khi đến vãn cảnh và lễ phủ đã được nâng lên rõ rệt. Ông Trương Tiến Hồi, Phó trưởng Ban quản lý phủ Tây Hồ cho biết, cây si nằm ngay giữa sân chính của di tích. Mọi năm tình trạng cắm hương, gài tiền lên cây diễn ra nhiều vào dịp đầu xuân năm mới, nhưng năm nay tình trạng này đã giảm hẳn. Ngoài việc đặt bia để du khách biết được ý nghĩa của cây si cổ thụ, Ban quản lí di tích còn thiết kế những giá đỡ để cây không bị nghiêng, sà xuống sân, đồng thời chăm bón hàng ngày để nâng sức đề kháng cho cây.
“Mỗi địa phương sẽ có những cách riêng để bảo vệ cây di sản. Hội không chủ trương kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp tiền để bảo vệ cây nhưng có nhiều nhà hảo tâm là con em của địa phương đã quyên tiền, góp công góp sức để chăm sóc cây như xây tường bảo vệ, xây bệ ghi lịch sử cây… Nhiều địa phương đã phát động hẳn một phong trào dọn vệ sinh quanh khu vực cây di sản. Chẳng hạn, tại quận Tây Hồ, Hà Nội, nơi hầu như phường nào cũng có cây được công nhận là cây di sản, phong trào bảo vệ cây ở đây được triển khai rất mạnh mẽ”, ông Sinh cho biết.
Còn theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Phó Chủ tịch VACNE, cây di sản Việt Nam không những có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà còn là phòng thí nghiệm sinh động cho hoạt động nghiên cứu khoa học, là nơi giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương Tổ quốc cho thế hệ trẻ.
Cần có sự quản lí thống nhất
Tuy nhiên, không phải cây di sản nào cũng được chính quyền quan tâm, bảo vệ như rặng duối ở Đường Lâm hay cây bồ đề ở Quỳnh Đô (đã nói đến ở các kì trước). Hiện nay, theo ghi nhận của VACNE, không có báo cáo nào từ các địa phương về việc cây quý hiếm bị kẻ xấu ăn cắp, chặt trộm sau khi được phong danh hiệu. Tuy nhiên, việc một số nơi, cây không được quan tâm, bảo vệ vẫn xảy ra. Câu chuyện về 5 cây thị 700 tuổi của gia đình ông Lê Minh Thưởng ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An là một ví dụ.
Do cây nằm trong khuôn viên của gia đình nên từ khi được vinh danh, việc chăm sóc, bảo vệ cây đều do gia đình ông Thưởng đảm nhận. Có người hỏi mua cây với giá rất cao nhưng ông Thưởng nhất định gìn giữ, chăm sóc vì với ông đây là báu vật tổ tiên để lại. Có ngày, hàng trăm khách đến tham quan cây thị cổ nhưng gia đình ông Thưởng neo người, không thể bố trí người đón tiếp khách. Trong một cuộc họp tổng kết về phong trào Cây di sản do VACNE tổ chức, ông Lê Minh Thưởng đã từng đề xuất, phải có sự phân cấp cụ thể để bảo vệ cây và VACNE nên có công văn gửi về UBND tỉnh, để chính quyền có biện pháp hỗ trợ gia đình trong việc trông nom cây.
TS Nguyễn Ngọc Sinh cho biết, những cây có tuổi đời hàng trăm năm tuổi này thực tế đã là di sản của chính cộng đồng địa phương. Sau khi được công nhận là cây di sản, VACNE sẽ phối hợp với các địa phương, chịu trách nhiệm về mặt bảo vệ kỹ thuật, hỗ trợ trong việc xác định tuổi, tên khoa học. Nếu cây bị bệnh thì Hội sẽ tư vấn, hỗ trợ cách chữa trị, bảo vệ. Trong trường hợp cây bị xâm hại, VACNE sẽ đến trực tiếp để can thiệp. Trong năm nay, VACNE cho xuất bản cuốn sách “Cây di sản Việt Nam”, thống kê 40 loài cây đã được vinh danh, gắn liền với nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử, văn hóa và cả những khó khăn trong việc giữ gìn, bảo vệ cây.
Việc công nhận danh hiệu “Cây di sản” là một động thái tích cực của VACNE nhằm bảo vệ những cây có ý nghĩa về mặt sinh học, môi trường, văn hóa. Tuy nhiên, công tác phối hợp chăm sóc cây sau khi phong danh hiệu cũng rất quan trọng, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào lãnh đạo địa phương hay một vài cá nhân sở hữu cây mà cần sự chung tay của cả cộng đồng. Có như thế, việc vinh danh mới đi vào thực chất chứ không chỉ là khoác “chiếc áo danh hiệu” cho cây di sản.
Hoàng Dương