Bước ngoặt của sự phiêu lưu nay đây mai đó là khi tôi đang còn làm cho một tờ báo đối ngoại của TTXVN thì từ những năm 1996, Tổng Giám đốc Hồ Tiến Nghị và lãnh đạo báo Tin tức muốn có một “cây bút” thích đi thực tế, phản ánh những vấn đề đời sống xã hội ở vùng sâu, vùng xa... Vì vậy, về tòa soạn, tôi may mắn thường xuyên có những chuyến đi đến với đồng bằng sông Cửu Long, mảnh đất chín rồng huyền thoại, nổi tiếng với tính cách con người hào sảng, với những câu vọng cổ da diết nghe xong chẳng muốn rời đi.
Lần đầu tiên tôi đến với vùng đất này là thị xã Châu Đốc, nay là thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, vựa lúa - cá của cả vùng. Choáng ngợp với tôi là tượng đài chú cá ba sa cao sừng sững, bởi trước đó, tôi chưa từng chứng kiến tượng đài nào mang tính linh vật thông thường lớn như vậy, ngoại trừ linh vật chứa đựng ý nghĩa lịch sử thiêng liêng... Sự ngạc nhiên của tôi được bà con địa phương giải thích rằng, tượng đài cá ba sa là để tôn vinh một loài thủy tộc, mà người dân đã thuần dưỡng, để tạo nên sản phẩm hàng hóa, giúp hàng vạn nông dân thoát khỏi đói nghèo... Và để cá ba sa trở thành hàng hóa là cả quá trình lao tâm khổ tứ của nhà nông và trí thức vùng sông nước nơi đây, bởi trước đó, việc nuôi cá thương phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên.
Không ai nuôi được cá ba sa đẻ để ươm thành cá giống. Chẳng rõ có phải giai thoại hay không, nhưng nghe nói lãnh đạo tỉnh An Giang ngày đó nóng lòng đến nỗi “treo giải thưởng” lớn cho ai nuôi được cá ba sa đẻ... Ngày đó đã đến, chủ động được nguồn giống, tỉnh An Giang có nghề nuôi cá ba sa phát triển nhanh như mùa lũ về, giúp bà con nông dân địa phương và đồng bằng sông Cửu Long đổi đời. Và chính tượng đài cá ba sa đã thôi thúc tôi đến với vùng đất chín rồng hàng năm để tìm hiểu về vùng đất và con người hào sảng nơi đây.
Đồng bằng sông Cửu Long nhiều thập kỷ trước còn nhiều “cầu khỉ”, những cây cầu tre đơn sơ, lắt lẻo qua sông trở thành đường giao thông phổ biến ở đây đưa bước trẻ con đến trường, đưa người lớn ra đồng ruộng và người dân đến với các phiên chợ quê...
Thế nên, kỷ niệm “nhớ đời” qua mấy chục năm làm phóng viên, nhưng cũng thú vị đến giờ của tôi cũng chỉ vì buột miệng một câu khen… Số là khi làm nhiệm vụ phóng viên báo Tin Tức đưa tin về kỳ họp Quốc hội, tôi có đề đạt nguyện vọng với anh Hai Tài, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long là muốn được mục sở thị giao thông nông thôn vùng quê anh. Anh Hai Tài hứa khi tôi đến Vĩnh Long sẽ đích thân đưa đi khám phá để viết bài. Được lời như cởi tấm lòng, sau đó, tôi đã đến Vĩnh Long và được anh Hai Tài đưa đi Cù lao An Bình, một miệt vườn sông nước nổi tiếng trù phú thuộc huyện Long Hồ. Mục đích là tìm hiểu về giao thông đồng bằng sông Cửu Long gian nan thế nào, thì thấy đường đi khá khang trang. Tôi buột miệng khen: “Giao thông nông thôn đồng bằng sông Cửu Long thích quá anh nhỉ, toàn đường nhựa, dù là nhỏ thôi... Vừa nói thế xong thì thấy các anh hướng dẫn đi đường khác qua toàn cầu khỉ cheo leo… Ngày đó, tôi là cô gái thành thị, trang phục mặc “quần thủng” (cách gọi chiếc váy của người nông thôn) đi giày xăng đan, nên phải lò dò từng bước, tay vịn chặt vào thanh tre phía trên cầu khỉ và tái mặt, không thốt được lời nào, điều hiếm thấy ở nghề phóng viên. Vì chỉ cần sơ xểnh chút thôi là dòng sông bên dưới chân cầu “đón” ngay. Bụng bảo dạ, mi có biết bơi cũng bằng không, vì nhẹ nhất thì cũng ướt như chuột lột…!
Liếc mắt sang đoàn cán bộ xã và anh Hai Tài thấy mọi người tủm tỉm. Tôi xốc lại tinh thần, cố gắng đi qua các cây cầu một cách an toàn, tránh làm khó cho cả đoàn... Đến khi qua hết các cầu khỉ, thì các anh trong đoàn cười rộ lên. Tôi tưởng bở là các anh mừng vì tôi đã “làm xiếc” thành công trên các cầu khỉ. Thì ra không phải, khi anh Hai Tài bảo rằng: Tại tôi khen giao thông cù lao khang trang quá, nên mọi người quyết định cho tôi phiêu lưu “đặc sản” giao thông tại đây, kẻo lại toàn viết về những con đường khang trang, thẳng tắp, thì ai thấu nỗi khổ của người dân cù lao. Bởi khi đó, cầu khỉ vẫn là giao thông phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long. Và ước mơ khi đó của người dân vùng châu thổ lớn nhất cả nước này là xóa bỏ cầu khỉ, thay bằng cầu kiên cố, để những đứa trẻ bình yên đến trường, để người nông dân dễ dàng đến với ruộng vườn, phiên chợ... Niềm mơ ước này, giờ đây đã phủ sóng đồng bằng sông Cửu Long.
Ẩm thực đồng bằng sông Cửu Long có món thực phẩm đặc trưng trong mùa nước nổi là thịt chuột đồng, nhưng với nhiều người dân nơi khác đến thì ngập ngừng không dám thưởng thức. Tôi cũng vậy thôi. Chuyến đi đến với huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ), tôi được chiêu đãi đặc sản này. Tôi sợ không dám ăn, nhưng một vị lãnh đạo ở địa phương còn nói vui, các anh cũng mới mời khách nước ngoài “ngự thiện” đấy... Món này là thực phẩm tự nhiên, an toàn là đằng khác. Quả thật là nếu không nói đó là thịt chuột đồng, thì không ai biết thật. Vì thịt một con chuột được cắt thành 4 mảnh vuông vức, như miếng thịt bình thường khác và được chiên giòn trong chảo ngập dầu, nên có màu vàng ruộm và thơm phức. Chúng tôi chén ngon lành với gia vị cùng lá chanh, ớt... Cho đến tận bây giờ, ấn tượng về ẩm thực miền Tây Nam bộ với tôi vẫn là món thịt chuột đồng chiên giòn... Và ẩm thực này còn là dịp tăng thu nhập của bà con vào mùa nước nổi, vừa diệt chuột vừa bổ sung thực phẩm hữu cơ!
Cuộc đời là những chuyến đi và báo Tin tức đã tạo điều kiện cho cuộc đời phóng viên của tôi. Thêm một chuyến đi đáng nhớ cũng gắn với đồng bằng sông Cửu Long, nhưng cũng cách đây mấy chục năm. Đó là nhiệm vụ đi tìm đứa con cho cử tri. Vẫn anh Hai Tài, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long trong một lần tiếp xúc cử tri, được cử tri gửi gắm khi đi họp Quốc hội ở Hà Nội cố gắng tìm giúp đứa con gái “thất lạc”. Và anh Hai Tài nói rằng, biết là không đơn giản, nhưng phải nhận lời, vì thông tin không có được bao nhiêu... Số là khi ông cử tri tập kết ra Bắc rồi hai miền chia cắt, nên ở lại cho đến ngày thống nhất. Trong thời gian này, ông có sống với một người phụ nữ ở tỉnh Hà Tây, hai người sinh được một cô con gái. Ngày thống nhất, ông trở về quê hương Vĩnh Long và biệt vô âm tín về gia đình nhỏ. Thời gian “vật đổi sao rời”, nên ông chỉ nhớ ngoài tên người phụ nữ của ông, là gần ngôi làng đó, giữa cánh đồng có cây đa cổ thụ to lắm...
Với thông tin chỉ dẫn nhỏ nhoi như thế, anh Hai Tài đặt nhiệm vụ cho anh Viết Sơn, Thư ký đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cố gắng giải “bài toán” này. Và anh Viết Sơn nghĩ ngay đến tôi, phóng viên báo Tin Tức – TTXVN, người có điều kiện tìm hiểu về các vùng miền và đề nghị cùng tham gia “mò kim đáy bể”. Tôi nhận lời, nhưng lòng đầy lo lắng, nếu không làm được thì thương ông cử tri một, mà thương anh Hai Tài hai, vì không giữ được lời hứa với cử tri...
Ngày đó, phương tiện đi lại lý tưởng nhất là xe máy, lấy đâu ra ô tô cá nhân. Tôi có xe, nhưng đường đi gập ghềnh, nên hỏi anh Viết Sơn có chạy được xe không? Anh nói được. Vậy là anh Viết Sơn chở tôi trên chiếc xe máy rong ruổi trong những ngày cuối tuần, khi nghỉ họp của Quốc hội để đi tìm đứa con thất lạc cho cử tri. Đến địa phận huyện mà cử tri cho biết, hỏi mãi cũng không ai trả lời được câu hỏi vu vơ của chúng tôi. Đến gần trưa nắng vẫn chưa mò được thông tin gì về ngôi làng đó. Mệt và thất vọng, nhưng vẫn cố đi, phải đi cho hết ngày, nếu không tìm được thì tuần sau lại rong ruổi... Tiếp tục mệt mỏi và thất vọng, nhưng chúng tôi vẫn đi và gặp một người bán nước trên đường ghé vào uống nước, nghỉ ngơi. Rồi như một phép màu, khi chúng tôi buồn bã kể về mục đích chuyến đi chưa có được chút kết quả gì, thì bà bán nước lại biết câu chuyện này và chỉ dẫn cặn kẽ. Thì ra, đây chính là nơi có ngôi làng chúng tôi tìm. Bà còn biết cả tên ông cán bộ miền Nam tập kết và người phụ nữ cùng đứa con gái... Lúc đó, tin lan truyền nhanh và người phụ nữ đang đi làm đồng được mọi người gọi về ngay…!
Cuộc tìm kiếm và gặp được bà mẹ cùng cô con gái vui không kể xiết. Chỉ trong phút chốc, làng xóm và bà con họ hàng đến kín ngôi nhà. Cả gia đình vui đến mức không cho chúng tôi về, bắt ở lại ăn bữa cơm chia vui với họ. Gà nuôi trong vườn lập tức lên mâm... Trong cuộc vui, chúng tôi mới biết là cô con gái này đã từng vào Tây Nguyên làm việc với mục đích là đi tìm ba, nhưng không tìm được. Cô đã nghĩ là không bao giờ gặp được người cha, mà cô chưa nhớ mặt, vì khi ông về lại quê nhà, thì cô còn nhỏ quá. Nên đây thật là điều mơ ước của cô.
Phút chia tay, cả gia đình bịn rịn, còn muốn chúng tôi ở lại với họ đến hôm sau, nhưng chúng tôi phải về vì công việc. Anh Viết Sơn lấy lại địa chỉ để khi kết thúc Kỳ họp Quốc hội, đoàn đại biểu sẽ đón cô bé vào thăm ba, giữ đúng lời hứa với cử tri...
Ngay sau đó là dịp ngày Nhà báo Việt Nam, tôi có viết bài “Đi tìm đứa con cho cử tri” đăng trên báo Tuần Tin tức. Một kỷ niệm đáng nhớ của cuộc đời phóng viên báo Tin Tức – TTXVN, khi trong một chuyến đi công tác với Đoàn Giám sát của Quốc hội, do Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Đức Kiên dẫn đầu, thì có một người nhắc đến bài báo này. Anh Nguyễn Đức Kiên hỏi ông có biết tác giả không? Và chỉ vào tôi, tác giả đấy. Thật vui và tự hào khi được là người cầm bút của báo Tin Tức, nơi nâng bước cho tôi trưởng thành từ nghề báo. Và cũng là nơi cho tôi có điều kiện nhiều lần đến với vùng sông nước Cửu Long huyền thoại, với bao kỷ niệm không bao giờ quên...