Lúc 7 giờ ngày 10/10, bão KOMPASU có vị trí ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 129,6 độ Kinh Đông với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Dự báo, cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông trong những ngày tới.
Trong khi đó, lúc 7 giờ ngày 10/10, tâm bão số 7 ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, cách Hải Phòng khoảng 170km, cách Nam Định khoảng 190km, cách Thanh Hóa khoảng 260km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau đó đi vào khu vực từ Hải Phòng và Thanh Hóa. Đến 19 giờ ngày 10/10, tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Từ 19 giờ ngày 10 đến 7 giờ ngày 11/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông đến 19 giờ ngày 10/10 (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 109,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.
Do ảnh hưởng của bão số 7, sáng 10/10, ở Vịnh Bắc Bộ, trạm đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, trạm đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng có gió giật cấp 6-7. Khu vực phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 130mm.
Do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu cơn bão số 7 với không khí lạnh tăng cường, ngày 10/10, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, phía Bắc có nơi cấp 8, giật cấp 10; các tỉnh, thành phố Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7.
Từ ngày 10-11/10, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-200mm, có nơi trên 250mm; phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ ngày 10-12/10, khu vực Nghệ An đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 150mm. Khu vực vùng núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương trong vùng ảnh hưởng cần thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn giao thông nhất là các tuyến đường bị ngập phải có cảnh báo kịp thời; tăng cường các chốt trực cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm; thông tin cho người dân về việc hạn chế đi lại hoặc có thể cấm đi lại đối với những vùng bão ảnh hưởng lớn. Các địa phương ở khu vực ven biển hướng dẫn tàu, thuyền tránh trú an toàn, không để tình trạng tàu, thuyền neo đậu ở nơi nguy hiểm, tuyên truyền vận động người dân tại các chòi canh thủy hải sản, trên tàu, thuyền lên bờ.
Cùng với đó, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng ở khu vực miền núi chú ý đến công tác vận hành hồ chứa theo đúng quy định, đảm bảo an toàn hồ đập, sản xuất và hạ du, cần đặc biệt chú ý đến các vị trí đê nguy hiểm.
Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, sẵn sàng các đoàn công tác chỉ đạo hiện trường, duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn, xử lý kịp thời khi có yêu cầu; tổ chức trực ban 24/24 giờ.