Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp.
Chuẩn bị kịch bản ứng phó với tổ hợp thiên tai
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan cho biết, ngoài sự ảnh hưởng của cơn bão số 7, trong thời gian tới có khả năng tiếp tục xuất hiện bão, mưa lớn... trên biển và đất liền theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Do vậy, ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị kịch bản ứng phó với các tổ hợp thiên tai trong thời gian tới đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và dảm bảo an toàn với dịch COVID-19, không được phép lơ là, chủ quan, bất ngờ, bị động trong ứng phó với mưa bão”.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cần tham khảo thông tin về tình hình bão tại các nước, đưa ra những dự báo, cảnh báo sát thực tế, kịp thời phục vụ sự chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai.
Các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương cần thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn giao thông nhất là các tuyến đường bị ngập phải có cảnh báo kịp thời; tăng cường các chốt trực cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm; thông tin cho người dân về việc hạn chế đi lại hoặc có thể cấm đi lại đối với những vùng bão ảnh hưởng lớn. Các địa phương ở khu vực ven biển cần kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền tránh trú an toàn, không để tình trạng tàu, thuyền neo đậu ở nơi nguy hiểm, tuyên truyền vận động người dân tại các chòi canh thủy hải sản, trên tàu, thuyền sớm lên bờ.
Cùng với đó, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng ở khu vực miền núi cầnchú ý đến công tác vận hành hồ chứa theo đúng quy định, đảm bảo an toàn hồ đập, sản xuất và hạ du, cần đặc biệt chú ý đến các vị trí đê nguy hiểm.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đối với vùng xung yếu mưa lũ từ Hà Tĩnh trở ra thì mọi phương tiện phải định vị được, mọi người dân cần có phương tiện định vị để có thông tin cảnh báo về mưa lũ, đồng thời giúp cho việc xử lý các tình huống cần thiết trong thiên tai như cấm biển, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi chuyển trước lũ, bão...
Các địa phương cần tính toán việc sơ tán dân sát với tình hình thực tế của thiên tai, đảm bảo an toàn đối với dịch COVID-19.
Ông Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương chịu ảnh hưởng của bão, mưa lớn cần triển khai lực lượng xung kích ở cơ sở để ứng phó với mưa lũ nhất là việc tham gia vào khai thông dòng chảy ở những khu vực tắc nghẽn.
Ông Lê Minh Hoan nêu rõ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ trong công tác ứng phó với thiên tai, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ cứu nạn và trực 24/24 giờ chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Bão số 7 gây thời tiết nguy hiểm trên biển và đất liền
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 khoảng 120 km tính từ tâm bão.
Từ 16 giờ ngày 9/10 đến 4 giờ ngày 10/10, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15 km. Đến 4 giờ ngày 10/10, vị trí tâm bão ở cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 40 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60 - 90 km/giờ), giật cấp 11.
Do ảnh hưởng kết hợp của cơn bão số 7 với không khí lạnh tăng cường nên ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả hai huyện đảo là Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có mưa bão, gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 2,0 - 4,0m, biển động rất mạnh.
Trong tối 9/10, trên vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2-4 m, biển động mạnh; ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2-3m, biển động.
Từ chiều tối 9 - 10/10, do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, phía Bắc có nơi cấp 8, giật cấp 10.
Từ chiều tối 9 đến đêm 10/10, ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7.
Từ chiều tối 9 -11/10, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150 - 250mm, có nơi trên 300mm.
Từ 10 - 11/10, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi trên 150mm.
Từ ngày 10 - 12/10, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 250mm.
Do ảnh hưởng của bão số 7, từ ngày 9 - 12/10, ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa to đến rất to.
Từ chiều 9 - 11/10, Đông Bắc Bộ có mưa phổ biến 150 - 250mm, có nơi trên 300mm.
Từ ngày 10 - 11/10, Tây Bắc Bộ có mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi trên 150mm.
Từ ngày 10 - 12/10, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa phổ biến 150 - 250mm, có nơi trên 250mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Mưa lớn đã gây một đợt lũ ở mức BĐ1-2 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Hiện mực nước các sông đã xuống mức BĐ1 và dưới BĐ1.
Cảnh báo: Do ảnh hưởng của mưa lớn, từ ngày 9-13/10, trên các sông, suối từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh xảy ra đợt lũ với đỉnh lũ ở hạ lưu các sông chính còn dưới mức báo động 1, thượng lưu các sông chính có nơi trên mức báo động 1; các sông nhỏ có khả năng ở mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ vùng núi, sườn dốc và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp.
Kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền tránh trú an toàn
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 13 giờ ngày 9/10, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn 33.387 tàu với 113.156 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, trong đó ở khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 2.340 tàu với 6.424 lao động; neo đậu tại bến là 31.047 tàu với 106.762 lao động. Các đơn vị chức năng kêu gọi toàn bộ tàu, thuyền vào nơi tránh trú trong tối 9/10.
Có 517 tàu thuyền đang trong khu vực quản lý của các cảng vụ hàng hải từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng, trong đó có 283 tàu biển và 234 phương tiện thủy nội địa.
Hồi 5 giờ ngày 9/10, mộ tàu có 9 lao động của Thái Bình (tàu TB21105TS do ông Ngô Văn Doanh, sinh năm 1970, làm thuyền trưởng) bị chìm cách cửa sông Trà Lý 300m làm 1 người chết. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều 2 phương tiện cứu được 8 người còn lại.
Các tỉnh, thành phố đã thành lập Tổ phối hợp liên ngành để hướng dẫn, xử lý công tác neo đậu tại bến và phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Lên phương án sơ tán và chú ý vị trí đê xung yếu
Đến 14 giờ ngày 9/10, có 4 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã có lệnh cấm biển; 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An cấm biển từ tối 9/10 đến sáng sớm 10/10.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã sẵn sàng phương án sơ tán 41.315hộ với 151.422 người dân ở khu vực ven biển; đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh (hiện có 2.912 đối tượng F0, F1 của 3 tỉnh).
Thông tin từ Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục phòng, chống thiên tai) cho biết, hiện có 33 trọng điểm, vị trí xung yếu và 7 công trình đê, kè biển, cửa sông đang thi công dở dang. Các vị trí trực diện biển cần quan tâm như: đê biển Hải Hậu, kè Thịnh Long (tỉnh Nam Định); đê biển Bình Minh 4 (tỉnh Ninh Bình); đê biển Nga Sơn (Itỉnh Thanh Hóa)...
Các địa phương chủ động chống bão
Các tỉnh, thành phố đang theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; đôn đốc, kiểm tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền; bảo đảm an toàn công trình đang thi công; chuẩn bị sẵn sàng phương án di dân trong bối cảnh dịch COVID-19.
Tám tỉnh, thành phố phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã ban hành Công điện chỉ đạo ứng phó với bão, mưa lũ.
Tỉnh Quảng Ninh đã cử 2 đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra tại thị xã Đông Triều.
Thành phố Hải Phòng duy trì lực lượng, phương tiện thường trực, cơ động phòng chống bão; chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức công tác bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; kiểm tra, gia cố công trình đê điều, thủy lợi.
Tỉnh Thái Bình cử đoàn kiểm tra các tuyến đê biển, đê cửa sông huyện Thái Thụy; tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu; dự kiến hoàn thành sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh trong chiều tối 9/10.
Tỉnh Nam Định ban hành công điện chỉ đạo, sẵn sàng phương án vận hành trạm bơm, bảo vệ sản xuất, chống úng ngập với lượng mưa lớn (200mm); kiểm tra vật tư dự trữ, phương tiện sẵn sàng xử lý bảo vệ trọng điểm đê điều, công trình đang thi công...
Tỉnh Ninh Bình đã thành lập các đoàn công tác xuống các cơ sở để kiểm tra các trọng điểm phòng chống thiên tai và các công trình đang thi công dở dang; tổ chức họp giao ban chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố.
Tỉnh Thanh Hóa đảm bảo an toàn cho phương tiện và người trên các tàu, thuyền vận tải, tàu đánh cá vãng lai, tàu công trình.
Tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh tích cực chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ chứa, nhất là các hồ đã đầy nước.