Tạm hoãn chi thu nhập tăng thêm
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, HĐND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 03/2018 về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngay sau đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định 4631 quy định việc đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở này, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành đánh giá, phân loại, làm cơ sở cho việc chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động bắt đầu từ quý II/2018
Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, sau một thời gian thực hiện, từ phản ánh ở cấp cơ sở, đang xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc trong việc xác định đối tượng thụ hưởng. Cho nên việc chi thu nhập tăng thêm của UBND TP Hồ Chí Minh phải hoãn lại so với dự kiến. Lúc đầu, UBND TP Hồ Chí Minh dự định đưa ra tờ trình áp dụng cách đánh giá công chức cán bộ mới theo chỉ số hài lòng tại kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh vào tháng 3/2018 để đại biểu thông qua, nhưng 100% đại biểu đã chọn phương án tạm ngưng thông qua tờ trình này để tiếp tục hoàn thiện các quy định đánh giá cán bộ, công chức. Cụ thể thay vì áp dụng quy định đánh giá cán bộ công chức theo chỉ số hài lòng trong quý II năm nay thì thành phố đã tạm dừng để đến quý III mới áp dụng theo cách đánh giá mới.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, sở dĩ thành phố cần thời gian cho việc đánh giá và ký quyết định mới, bởi việc đánh giá cán bộ, công chức bắt buộc là phải dựa vào chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Do đó trong quý II vẫn chưa thực hiện đánh giá chi thu nhập tăng thêm dựa trên chỉ số hài lòng, thay vào đó vẫn áp dụng theo quy định cũ (số 4631/QĐ-UBND).
Theo ông Nguyễn Thành Phong, theo quy định mới bắt đầu từ quý III áp dụng, muốn đạt loại xuất sắc, cán bộ, công chức, nhân viên phải có 20% khối lượng công việc hoàn thành vượt thời gian quy định và có điểm số đạt từ 90 điểm trở lên (trước đây là 80 điểm). Thủ trưởng đơn vị nếu có điểm số cá nhân đạt 90 điểm trở lên cộng với đơn vị đạt tỷ lệ hài lòng 80% trở lên mới được loại tốt, 90% trở lên mới đạt xuất sắc. Đặc biệt thủ trưởng đơn vị đạt 100/100 điểm nhưng tỷ lệ hài lòng của cơ quan đơn vị phụ trác dưới 80% thì không được thu nhập tăng thêm.
Đối với người đứng đầu, quy định mới cũng gắn trách nhiệm của họ. Cụ thể, nếu thủ trưởng đơn vị được đánh giá 100 điểm nhưng tỉ lệ hài lòng của cơ quan đơn vị chỉ đạt dưới 80% thì thủ trưởng/người đứng đầu đó cũng không được chi thu nhập tăng thêm. Do đó, muốn đủ điều kiện thì bắt buộc thủ trưởng đơn vị phải có điểm số cá nhân đạt 90 điểm trở lên, cộng với đơn vị đạt tỉ lệ hài lòng của người dân là 80% trở lên (loại tốt) hoặc 90% trở lên mới (loại xuất sắc).
Cần minh bạch, công bằng
Tuy nhiên, các chuyên gia băn khoăn liệu cơ sở quyết định mức thu nhập tăng thêm được chi trả cho cán bộ dựa chủ yếu vào chỉ số hài lòng của người dân có minh bạch hay không? Bởi thực tế số lượng người dân tham gia các khảo sát và đánh giá chỉ số hài lòng đối với cán bộ còn rất khiêm tốn…
Mới đây khi sơ kết triển khai thực hiện thí điểm đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2018, các lãnh đạo thành phố vẫn phải thừa nhận một thực tế là sự tham gia vào quá trình đánh giá chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp chưa nhiều. Cụ thể Ủy ban MTTQVN TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tiếp cận khảo sát đối với 2.468 người dân và tổ chức, nhưng chỉ khảo sát thành công được 1.132 đối tượng, trong đó khảo sát qua điện thoại đã là 1.051, số gặp trực tiếp chỉ 81 người.
Ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh cho biết, các kết quả chưa đánh giá chính xác được thái độ cũng như hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức của thành phố. Bởi thực tế một bộ phận người dân và doanh nghiệp (trong mẫu được lấy ý kiến) không tham dự buổi khảo sát trực tiếp tại các đơn vị hoặc không có ý kiến, cũng như không trả lời các câu hỏi của các điều tra viên qua điện thoại.
Hoặc một ví dụ tại Sở Thông tin truyền thông TP Hồ Chí Minh, Sở này hiện có 8 phòng, ban chuyên môn thực hiện nhiệm vụ chính trị của Sở, nhưng chỉ đặt máy chấm mức độ hài lòng của dân tại 1 nơi là bộ phận một cửa điện tử (nơi nhận và trả kết quả hồ sơ xin phép). Tại vị trí này có 3 nhân viên thực hiện trên tổng số lượng cán bộ công chức của Sở là gần 100 người. Như vậy, nếu lấy kết quả sự hài lòng của dân tại 1 bộ phận nhỏ này để làm kết quả cho cả Sở sẽ thiếu tính đại diện. “Liệu có không thỏa đáng với sự cố gắng của gần 100 cán bộ, công chức còn lại của Sở hay không?”, một cán bộ của Sở này băn khoăn.
Để việc đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cán bộ, công chức đúng thực chất, một cán bộ làm việc tại UBND quận 9 cho biết, nếu đã dùng chỉ số hài lòng để được hưởng thu nhập tăng thêm, UBND TP Hồ Chí Minh nên có kế hoạch triển khai đồng loạt và bắt buộc toàn bộ các sở ngành, quận – huyện đặt máy chấm mức độ hài lòng. Trong đó, bắt buộc phải đặt máy chấm ở tất cả các vị trí của phòng, ban thuộc đơn vị để người dân thuận tiện trong việc tham gia. Ngoài ra, hiện nay thành phố cũng chỉ mới có 1 số đơn vị tiên phong thí điểm việc đặt máy chấm sự hài lòng của người dân, chứ chưa phải ở mức đại trà để việc triển khai quyết định mới đảm bảo khách quan, chính xác nhất.
Ông Trần Trọng Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, khi khảo sát mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thành phố cần thường xuyên, liên tục, định kỳ hằng năm và ở tất cả cơ quan hành chính của thành phố để đảm bảo kết quả khảo sát khách quan, chính xác. Đồng thời, cơ quan thực hiện khảo sát cũng cần có sự so sánh, kiểm chứng cụ thể các chỉ tiêu đánh giá về hiệu quả của sự chuyển biến ra sao để đưa ra biện pháp chấn chỉnh, nhất là đối với các cá nhân, tổ chức còn yếu kém, thiếu sót khiến người dân chưa hài lòng.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân gợi ý, các cơ quan khảo sát sự hài lòng của người dân cần nghiên cứu ngoài gọi điện thoại và gặp trực tiếp thì có thể áp dụng các hình thức khác miễn sao người dân đánh giá đúng thực chất. Mặt khác, quá trình khảo sát sự hài lòng của người dân cũng cần phải lưu ý và xem lại nguyên nhân vì sao, cá nhân, tổ chức được liên hệ không mặn mà tham gia khảo sát đánh giá sự hài lòng với cán bộ để có hướng giải quyết kịp thời, tránh gây bức xúc trong dân, doanh nghiệp quá lâu. "Việc đánh giá cán bộ, công chức gắn thêm mức độ hài lòng của người dân là cần thiết. Điều này để đảm bảo việc đánh giá cán bộ công chức sát thực tế, chặt chẽ, mục tiêu là đạt được sự hài lòng của người dân ở mức cao nhất và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Hơn nữa, cơ sở của kết quả thực hiện cơ chế này của TP Hồ Chí Minh cũng sẽ là mô hình để trung ương nhân rộng ra một số thành phố trực thuộc trung ương có tương đồng về mức độ đóng góp và tốc độ phát triển", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.