Chính sách đã tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố nỗ lực, sáng tạo, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, đây là chính sách mới nên việc triển khai thực hiện trên thực tế cũng gặp những vướng mắc cần được tháo gỡ, như về đối tượng được hưởng chính sách, thời gian đánh giá…
Tạo động lực phấn đấu
Theo Nghị quyết 03 năm 2018 của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 4-12/2018, cán bộ, công chức, viên chức do thành phố quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm 0,6 lần mức lương nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nếu ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ thì hưởng 80% của khung này. Trong năm 2019, mức hưởng thu nhập tăng thêm tối đa là 1,2 lần và năm 2020 tối đa là 1,8 lần. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành việc đánh giá và từng bước chi thu nhập tăng thêm trong 3 quý cho cán bộ công chức, viên chức.
Phấn khởi khi được nhận thu nhập tăng thêm 3 quý cuối năm 2018, anh Phạm Hữu Lộc, Bí thư Đoàn phường Tân Thới Hiệp, Quận 12 chia sẻ: Thực tế, không riêng cán bộ Đoàn mà thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nói chung không cao. Chính sách này đã giúp bản thân anh cũng như nhiều cán bộ, công chức, viên chức giảm bớt áp lực tài chính, đỡ một phần chi phí trang trải cho cuộc sống và có thể yên tâm cống hiến trong công tác. Cũng từ đó, tinh thần thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức khởi sắc hơn, mọi người đều nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt công việc.
“Không có thu nhập tăng thêm, bản thân tôi cũng như những cán bộ, công chức, viên chức khác cũng luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không phải vì thành tích mới phấn đấu. Tuy nhiên, chính sách này tạo thêm động lực cho chúng tôi đổi mới, sáng tạo hơn” - anh Phạm Hữu Lộc chia sẻ. Anh Lộc cũng cho rằng, thang điểm đánh giá, tiêu chí còn chung chung và việc họp đánh giá hàng quý chưa vào nề nếp nên còn gây khó khăn cho đơn vị trong khi đánh giá.
Chia sẻ về cách đánh giá cán bộ, theo ông Cao Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Văn phòng HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, việc đánh giá thi đua được đơn vị thực hiện với quan điểm bám sát thực tế, không cào bằng, đánh giá khách quan, công tâm, minh bạch. Công đoàn viên quyết tâm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cải thiện lề lối làm việc, nâng cao năng suất lao động để xứng đáng với việc nhận thêm khoản thu nhập tăng thêm.
Chính sách này được nhiều cán bộ, công chức, viên chức mong chờ, nhất là với giáo viên với mức thu nhập khá eo hẹp. Ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện toàn ngành có hơn 64.300 cán bộ, công chức, viên chức trong định mức biên chế. Hiện tại, hầu hết các đơn vị đã hoàn tất công tác đánh giá, phân loại công chức, viên chức, thống kê sơ bộ, mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên chiếm gần 98%. Việc chi trả thu nhập tăng đã tạo ra sự phấn chấn, động viên khích lệ tinh thần đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành không ngừng nỗ lực, cố gắng nâng cao hiệu quả công việc, ý thức trách nhiệm.
Hoàn thiện các quy định, tháo gỡ vướng mắc
Việc chi thu nhập tăng thêm là nguồn động viên tinh thần rất lớn, giúp công chức, viên chức thành phố có thêm động lực làm việc. Tuy nhiên, theo hầu hết các đơn vị, do lần đầu tiên thực hiện nên việc tổ chức gặp một số vướng mắc, như người lao động hợp đồng theo Nghị định 68 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị; hay người lao động chưa là viên chức không được hưởng thu nhập tăng thêm. Trong khi đó, những đối tượng này vẫn có đóng góp góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị.
Ví dụ cụ thể, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố hiện có gần 5.200 viên chức làm việc chế độ hợp đồng theo Nghị định 68 năm 2000 của Chính phủ, hợp đồng tạm tuyển, hợp đồng các chức danh kế toán, y tế. Theo ông Nguyễn Công Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Phú Nhuận, các giáo viên, nhân viên thuộc các dạng hợp đồng này không nằm trong đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 03 luôn tâm tư, băn khoăn.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND thành phố cho biết, quyết định giao biên chế của UBND thành phố hàng năm có giao hợp đồng 68 cho các đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính, trong đó Giáo dục, Y tế là hai ngành chiếm tương đối nhiều so với các ngành khác. Đối tượng này cũng được thực hiện cải cách tiền lương thông qua trích trong tổng nguồn cải cách tiền lương của đơn vị. Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị quyết 03, trong Nghị quyết 54 lại không điều chỉnh. Do đó, việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho đối tượng này được “chia sẻ” được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ thông qua hội nghị cán bộ công chức, viên chức, người lao động để xác định mức chi một cách phù hợp.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, ông Cao Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Văn phòng HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đối với nhân viên hợp đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, tuy nhiên, cán bộ công chức của đơn vị đã thảo luận thống nhất bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ và áp dụng theo hưởng được như chính sách này từ nguồn tiết kiệm chi của đơn vị.
Mặt khác, theo quy định, công chức nghỉ từ 22 ngày làm việc trở lên trong quý sẽ không được đánh giá hoàn thành tốt công việc, vì vậy sẽ không xét chi thu nhập tăng thêm. Điều này đang gây khó khăn cho ngành Giáo dục vì đặc thù hàng năm đội ngũ này được nghỉ hè đến 2 tháng. Theo ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, nếu tính cả thời gian nghỉ hè 2 tháng của giáo viên để đánh giá và không được xét chi thu nhập tăng thêm là không hợp lý. Bởi nghỉ hè là đặc thù riêng của ngành Giáo dục được quy định trong Luật Giáo dục.
Trên thực thế, trong thời gian nghỉ hè này, giáo viên vẫn phải thực hiện nhiều công việc khác, như tham gia các hội đồng thi, chấm thi, chấm phúc khảo tuyển sinh; tham gia công tác tổ chức thi Trung học Phổ thông quốc gia. Bên cạnh đó, giáo viên cũng tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng chính trị tại địa phương; các hoạt động chuẩn bị cho năm học mới...
Theo lãnh đạo thành phố, những vướng mắc này đã được ghi nhận và sẽ được bàn trong trong thời gian tới để có sự điều chỉnh phù hợp. Nghị quyết 03 về chi thu nhập tăng thêm được thực hiện trong 3 năm, giai đoạn 2018-2020, sau đó sẽ có đánh giá sơ kết, trình Quốc hội xem xét.