Tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được phải xử lý thông qua tòa án

Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Trao đổi bên hành lang kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc.

Tòa án quyết định tính minh bạch của tài sản

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này, đưa ra 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 25/10. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Phương án 1 là việc xử lý sẽ do Tòa án xem xét, quyết định. Phương án 2, trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Theo các đại biểu, nếu áp dụng biện pháp thu thuế sẽ dễ tạo kẽ hở cho hoạt động rửa tiền, hợp pháp hóa tài sản, nếu năng lực của các cơ quan thuế yếu kém. Đây cũng là điều cử tri và dư luận chưa thực sự đồng tình.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc giao cho Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình tài sản cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên, đó là lợi ích của Nhà nước, của cá nhân và lợi ích của xã hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, việc quy định xử lý tài sản này qua Tòa án xem xét, quyết định sẽ bảo đảm công bằng cũng như quyền và lợi ích của các bên. Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành quy định người có nghĩa vụ kê khai phải có trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và quy định này tiếp tục được kế thừa trong dự thảo Luật sửa đổi. Mặt khác, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải có trách nhiệm chứng minh tính không hợp lý trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội), hiện nay cử tri cả nước đang rất mong đợi kết quả công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Quốc hội cũng đang dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận từng mục, từng ý, từng chương của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Khẳng định cá nhân mình rất quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, hiện Quốc hội vẫn đang tìm kiếm giải pháp hợp lý nhất và coi đó là sự rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng trong tương lai. Theo đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, tài sản không minh bạch cần phải được mang ra xét xử bởi Tòa án mới có thể xác minh nguồn gốc tài sản để quyết định có tịch thu hay không.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) cho hay, đây là lần thứ ba các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) dựa trên cơ sở đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của nhân dân. Ủng hộ phương án đưa những tài sản không minh bạch ra Tòa án xem xét, đại biểu khẳng định chỉ như thế mới có thể xác minh được tài sản có được do tham nhũng hay không để có phương pháp xử lý

Xử lý nghiêm cán bộ cố tình không kê khai tài sản

Phân tích phương pháp xác định tài sản không minh bạch, các đại biểu cho rằng đây là việc rất khó thực hiện, mỗi cán bộ, cá nhân có tài sản từ rất nhiều nguồn khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) khẳng định, theo quy định của pháp luật, nếu tài sản trốn thuế phải tiến hành truy thu, còn những tài sản do phạm tội mà có, cơ quan chức năng mới có quyền tịch thu. Tài sản không giải trình được về nguồn gốc nhưng cơ quan nhà nước cũng không chứng minh được tài sản đó do phạm tội mà có thì không thể truy thu hoặc đánh thuế.

Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, tài sản tích lũy trong dân hiện nay khá nhiều và đã trở thành truyền thống. Trong gia đình người Việt Nam có rất nhiều loại tài sản khác nhau gồm tài sản sở hữu chung và tài sản sở hữu riêng. Khi tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản sở hữu chung. Tuy nhiên, trong đó lại có những trường hợp tài sản riêng của vợ, hoặc chồng, hoặc con của cán bộ mà những thành viên đó không làm việc trong cơ quan nhà nước thì không nên đưa vào diện kê khai.

Theo đại biểu, nếu cơ quan chức năng không chứng minh được số tài sản riêng của các thành viên trong gia đình cán bộ là tài sản phạm pháp nhưng vẫn quyết tâm thu hồi thì vi hiến theo quy định của pháp luật hiện hành. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, cán bộ, lãnh đạo chỉ có trách nhiệm giải trình với Nhà nước tài sản của cá nhân họ, còn lại tài sản riêng của vợ hoặc chồng, con, nếu do hành vi bất hợp pháp mà có thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.

"Cả hai phương án đưa ra đều rất khó khả thi vì những giải pháp chúng ta đưa ra mới chỉ giải quyết phần ngọn. Quan trọng là phải giải quyết phần gốc khi kiểm soát tốt hành vi trực tiếp và gián tiếp dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về tham nhũng", đại biểu nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nếu người thân trong gia đình kinh doanh bên ngoài mà có tài sản thì cơ quan chức năng phải sàng lọc, phân biệt được việc hình thành tài sản của vợ hoặc chồng do đâu mà có. "Nhà nước đang khuyến khích nhân dân làm giầu, nếu như đó là tài sản do kinh doanh mà có thì không thể coi đó là tài sản tham nhũng được", đại biểu khẳng định.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, khi xem xét những tài sản do tham nhũng mà có, cơ quan chức năng không chỉ quan tâm đến các cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước, mà còn có cả những đối tượng thuộc khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, đó chỉ là những đối tượng tư nhân nhưng tham gia vào các dự án được đầu tư bằng ngân sách và có liên quan đến các công trình của Nhà nước thì mới có điều kiện để tham nhũng.

Phân tích về việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) khẳng định, các phương pháp hiện nay rất khó thực hiện vì chưa khả thi. Theo đại biểu, tài sản khi chưa xác định là do tham nhũng mà tịch thu luôn thì không có cơ sở, còn đánh thuế thì đánh bao nhiêu phần trăm cũng khó xác định vì nhiều tài sản do bố mẹ để lại, hoặc bạn bè người thân cho tặng. Theo đại biểu, vấn đề này cần phải tiếp tục nghiên cứu và xem xét kỹ thêm vì nếu không đánh thuế, cũng có thể vô tình để lọt nhiều tài sản bất minh.

"Đối tượng cần kê khai nên được giao cho một thời gian nhất định, từ 3 đến 6 tháng phải kê khai tài sản đầy đủ. Nếu cán bộ cố tình không kê khai sẽ không được tham gia vào các cuộc bình bầu chức danh lãnh đạo tiếp theo. Trường hợp bầu xong, nếu trúng cử mà trong quá trình công tác bị phát hiện ra có tài sản tham nhũng sẽ bị cách chức luôn", đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến.

Đỗ Bình (TTXVN)
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn

Chiều 25/10, Ban kiểm phiếu Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN