UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ động tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi đối với các loại lợn tại những vùng trọng điểm chăn nuôi và tại các cơ sở giết mổ.
Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các địa phương và ngành chức năng liên quan xem xét thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời ở các huyện, trên tuyến Quốc lộ 1A nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm thịt lợn ra vào địa bàn. Tỉnh cũng thống nhất chủ trương cho phép Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu mua vắc xin, hóa chất phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Bên cạnh đó, các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi về đặc điểm, tính chất của bệnh dịch tả lợn châu Phi, cũng như tăng cường thực hiện vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam cũng ghi nhận sự xuất hiện của bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh căn cứ vào kết quả lưu hành vi rút, rà soát tổng đàn lợn trên địa bàn trong diện tiêm phòng, tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin lở mồm long móng cho đàn lợn thịt và đàn lợn giống.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã yêu cầu các ban, ngành, đơn vị trong tỉnh quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan vào địa bàn tỉnh, đồng thời ngăn chặn tình trạng lợn bên ngoài xâm nhập, lấy thương hiệu lợn Hoài Ân (Bình Định).
Trước đó, tỉnh này đã thành lập 4 chốt chặn kiểm soát, tiêu độc khử trùng những xe chở lợn, gia súc khác đi qua địa bàn tại 2 đầu phía Bắc và Nam của tỉnh. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định ông Đào Văn Hùng cho hay, các điểm chốt chặn kiểm soát, khử độc sát trùng xe vận chuyển gia súc đã hoạt động từ 3 ngày qua. Tỉnh đã ra quân tiêu độc sát trùng trên toàn tỉnh và sắp tới sẽ tiếp tục tổng tiêu độc, sát trùng một lần nữa.
Ông Hùng cũng cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định hiện đã chuẩn bị đủ cơ số thuốc đủ sức để ngăn chặn dịch bệnh.
Tại Long An, UBND tỉnh ban hành chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các sở ngành, lãnh đạo các địa phương cấp huyện tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn kịp thời không để bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò chủ đạo, thực hiện nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở; thành lập các đội phản ứng nhanh, liên ngành để hỗ trợ kịp thời các địa phương khi cần thiết. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch; hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi…
Ngoài ra, UBND tỉnh Long An cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành liên và các địa phương trong việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Các đơn vị, địa phương rà soát, củng cố đường dây nóng và tổ chức trực đường dây nóng 24/24 trong suốt thời gian triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống bệnh địch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng đã quyết định thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời ở các “cửa ngõ” của tỉnh, nơi tiếp giáp với địa phương lân cận.
Trên quốc lộ 1A, tỉnh đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại xã Tân Đức (huyện Hàm Tân) và xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong). Lực lượng trực có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn, các sản phẩm của lợn ra vào địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cũng đã thành lập Đường dây nóng (0252.3819192) để tiếp nhận thông tin tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên điạ bàn tỉnh.
Trước đó, ngày 4/3, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành công điện hỏa tốc số 756/UBND chỉ đạo triển khai đồng bộ giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; ngày 7/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng đà thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: Thời điểm chưa xuất hiện dịch như hiện nay, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang tổ chức tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tập huấn giúp người dân chăn nuôi, giết mổ, buôn bán nhận thức và hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch.
Tại Cà Mau, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập ngay 2 chốt tạm thời kiểm soát lượng lợn nhập từ ngoài tỉnh tại Quốc lộ 63 và đường xuyên Á.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử lưu ý: “ Mặc dù dịch bệnh không ảnh hưởng sức khỏe con người nhưng nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi và sự phát triển kinh tế của tỉnh, vì thế, cả hệ thống chính trị chủ động vào cuộc. Vì vậy, tỉnh tập trung làm tốt tuyên truyền, phát huy đồng bộ hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt, là hệ thống truyền thanh xã. Song song với đó là gắn với việc cam kết, thống kê các cơ sở chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, việc tuyên truyền cần được định lượng cụ thể, bởi mục đích làm cho người dân hiểu biết về dịch bệnh rõ ràng, không chủ quan lơ là nhưng cũng không để người dân hoang mang".
Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, Cà Mau đã tăng cường việc tái đàn trong chăn nuôi, trong đó có lợn. Theo thống kê từ các địa phương, hiện địa phương có trên 100.000 con lợn đang nuôi, đã tiến hành xong việc tiêm phòng chống dịch bệnh đợt 1.