Đó là thông tin ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngày 6/3.
Ông Trần Hùng cho biết, hiện, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở các tỉnh phía bắc và gần nhất là tỉnh Thanh Hóa. Trong khi đó, lượng gia súc, nguồn thực phẩm và thức ăn gia súc buôn bán lưu thông vào các tỉnh phía Nam rất nhiều nên nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn Hà Tĩnh là rất lớn.
“Ngoài việc tổ chức kiểm tra, giám sát việc buôn bán, vận chuyển gia súc, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Chúng tôi phối hợp với chính quyền các huyện, thị xã triển khai các biện pháp tuyên truyền người chăn nuôi có ý thức trong việc phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi”, Ông Trần Hùng nói.
Tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh tổ chức phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại các trang trại chăn nuôi lớn. Đối với các hộ chăn nuôi tiến hành rắc vôi bột khử trùng các khu chuồng trại, những điểm nguy cơ xảy ra các dịch bệnh trên đàn lợn.
Ủy ban nhân tỉnh Hà Tĩnh cũng ban hành công điện khẩn cấp phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi yêu cầu sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào địa bàn.
Theo đó, Ủy ban nhân tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện lợn bệnh ốm, chết không rõ nguyên nhân, có các triệu chứng, bệnh tích của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, cơ quan chức năng khi phát hiện các sản phẩm lợn nhập vào địa bàn trái phép phải báo cáo ngay để lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm xác định dịch, bệnh. Địa phương nào giấu dịch, không báo cáo kịp thời thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.