Đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tả lợn châu Phi đang diễn ra tại một số tỉnh, thành phố miền Bắc, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng phương án, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh; trong đó đặc biệt chú trọng tới việc kiểm tra, giám sát buôn bán, vận chuyển gia súc trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho lợn tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng Kế hoạch Phòng chống dịch tả lợn châu Phi;  trong đó, tập trung vào các biện pháp như: Tổ chức giám sát chặt chẽ đối với người và phương tiện vận chuyển lợn; tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; tiêu độc khử trùng tại các trang trại chăn nuôi…

Ông Nguyễn Lương Trai - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đơn vị đã triển khai trực 24/24 trạm kiểm dịch ở trên các quốc lộ cửa ngõ vào tỉnh, kiểm tra việc vận chuyển heo từ nơi này sang nơi khác; tăng cường việc kiểm soát giết mổ; Phối hợp với cơ quan Chi cục Thú y vùng 6 kiểm tra các sản phẩm đông lạnh có liên quan đến thịt lợn tại khu vực cảng Cái Mép. Đồng thời, triển khai các đội kiểm tra lưu động hướng dẫn bà con mua, bán sản phẩm động vật đối với con lợn.

Cũng theo ông Trai, hiện cũng là thời điểm giá lợn đang tăng, bà con liên tục xuất bán và nhập đàn lợn mới về nuôi nên tình hình càng diễn biến phức tạp. Ngoài nguy cơ từ dịch tả lợn châu Phi, một số địa phương lân cận của tỉnh cũng đã có các ổ dịch lở mồm long móng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với huyện Châu Đức (địa phương có tổng đàn lợn lớn, giáp với tỉnh Đồng Nai) tổ chức tiêm phòng bổ sung cho hơn 30.000 con lợn mới sinh hoặc vừa nhập nuôi.

Mặc dù, Bà Rịa - Vũng Tàu chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, song Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng khuyến cáo người nuôi cần thực hiện nhiều biện pháp như: Tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi thường xuyên; bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho động vật; nhập giống nuôi tại các cơ sở uy tín và đã được kiểm định bởi cơ quan thú y; thường xuyên vệ sinh các phương tiện vận chuyển vật nuôi… Đặc biệt, khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ của dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi cần báo ngay cho UBND cấp xã hoặc Trạm thú y huyện để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tương tự, tại tỉnh Bến Tre, ngày 6/3, ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, Chi cục Thú y tỉnh tổ chức lập các chốt kiểm soát cấp tỉnh kiểm soát nguồn lợn nhập từ tỉnh khác vào Bến Tre, ứng phó khẩn cấp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, phòng chống dịch bệnh trên lợn.

Theo đó, Bến Tre tổ chức 3 điểm kiểm soát cấp tỉnh tại 3 khu vực là cửa ngõ chính vào tỉnh Bến Tre như: khu vực cầu Rạch Miễu tiếp giáp tỉnh Tiền Giang, khu vực cầu Cổ Chiên tiếp giáp tỉnh Trà Vinh trên quốc lộ 60, khu vực xã Phú Phụng (huyện Chợ Lách) trên quốc lộ 57 tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Long. Tỉnh lập trạm kiểm soát cấp huyện khu vực đò ngang tiếp giáp từ các tỉnh qua địa bàn Bến Tre. Tại các điểm kiểm soát, kiểm tra niêm phong, giấy kiểm dịch từ cơ quan địa phương cho xuất lợn, phun xịt thuốc tiêu độc khử trùng xe chuyên chở lợn.

Theo ông Trần Quang Thái, trung bình mỗi ngày có hơn 10 xe chở lợn nhập vào tỉnh Bến Tre. Sau khi phát sinh dịch lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi, số lượng lợn nhập vào địa phương giảm còn 6 - 7 xe, khoảng từ 900 - 1.000 con, ước khoảng hơn 100 tấn, các nguồn lợn nhập từ tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu…

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lây lan ở nhiều tỉnh, thành, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát buôn bán, vận chuyển gia súc trên địa bàn.

Tỉnh khẩn trương chỉ đạo đơn vị, sở ngành, các địa phương có phương án cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Hiện dịch tả lợn châu Phi xuất hiện các tỉnh phía Bắc, gần nhất là tỉnh Thanh Hóa. Lượng gia súc, nguồn thực phẩm và thức ăn gia súc lưu thông vào các tỉnh phía Nam đi qua Hà Tĩnh lớn. Vì vậy, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn rất lớn.

Ông Trần Hùng cho biết, ngoài việc tổ chức kiểm tra, giám sát buôn bán, vận chuyển gia súc, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn, cơ quan này phối hợp với chính quyền huyện, thị xã triển khai biện pháp tuyên truyền tới người chăn nuôi để nâng ý thức trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Hiện tỉnh Hà Tĩnh chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại trang trại chăn nuôi lớn. Các hộ chăn nuôi rắc vôi bột khử trùng khu chuồng trại, điểm nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn lợn.

Ủy ban nhân tỉnh Hà Tĩnh ban hành công điện khẩn cấp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi yêu cầu sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố triển khai giải pháp đồng bộ ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn.

Tại tỉnh Nam Định cũng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch. Nam Định đã thành lập 1 đội kiểm dịch động vật lưu động liên ngành của tỉnh và 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành đóng tại Quốc lộ 10 (thành phố Nam Định); Trạm thu phí Mỹ Lộc - Quốc lộ 21B (huyện Mỹ Lộc); khu vực gần chân Cầu Non Nước - Quốc lộ 10 (huyện Ý Yên) và bến phà Sa Cao (huyện Xuân Trường).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, các chốt kiểm dịch hoạt động 24/24 từ ngày 5/3 cho đến khi có thông báo ngừng hoạt động. Các chốt này có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn tỉnh và qua chốt kiểm dịch; phun thuốc khử trùng cho các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định phòng, chống dịch của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan cho biết, trong bối cảnh một số tỉnh giáp ranh như: Thái Bình, Hà Nam đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Nam Định đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, cơ quan chuyên môn của tỉnh tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân về cách nhận biết, nguy cơ, tác hại của dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh… Đồng thời, hướng dẫn người dân nắm vững các biện pháp phòng, chống dịch và cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh động vật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định lưu ý, người chăn nuôi, cán bộ thú ý cơ sở, chính quyền thôn, xóm, cộng đồng dân cư nâng vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát, phát hiện dịch, bệnh. Trường hợp phát hiện đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải thực hiện khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy toàn bộ số lợn bị bệnh; tổng  vệ sinh, tiêu độc khử trùng vùng dịch; quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra khỏi vùng dịch theo quy định.

Nam Định có trên 754.600 con lợn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 152.173 tấn. Trong 3 đợt của “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm”, tỉnh đã cấp cho các địa phương hơn 16 nghìn lít hóa chất khử trùng. Các huyện, thành phố tổ chức 251 đội phun tập trung để khử trùng những khu vực công cộng, hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Đối với tỉnh Đắk Lắk cũng vừa ban hành công điện khẩn số 02CĐ-UBND gửi các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk yêu cầu ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đồng bộ giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu phi; công điện khẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm soát, buôn bán, giết mổ lợn, vận chuyển các sản phẩm từ lợn để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với lực lượng chức năng chốt chặn, kiểm dịch động vật trên các tuyến giao thông quan trọng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 26, Quốc lộ 27, tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn, kiên quyết xử lý nghiêm vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh; tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh.

Đối với hai huyện biên giới Buôn Đôn và Ea Súp có đường biên giới tiếp giáp với nước Campuchia chính quyền các địa phương chủ động phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng và cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn lối mở khu vực biên giới đối với lợn, sản phẩm từ lợn, người và phương tiện từ các nước vào địa bàn tỉnh, nhất là các nước có dịch tả lợn Châu Phi, nhập lợn trái phép vào địa bàn tỉnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm hiện tại tỉnh chưa ghi nhận có dịch tả lợn Châu Phi. Để chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh thành lập “Đội ứng nhanh” gồm 6 thành viên có nhiệm vụ phát hiện, phối hợp nhanh, hỗ trợ địa phương  phòng, chống dịch bệnh; báo cáo thường xuyên kết quả kiểm tra, giám sát tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn về ủy ban tỉnh.

Nhóm Pv TTXVN
Dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu lây lan nhanh chóng ở phía Bắc
Dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu lây lan nhanh chóng ở phía Bắc

Chỉ trong vòng hơn một tháng, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 7 tỉnh, thành phố phía Bắc và đang có dấu hiệu lây lan nhanh. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy đã lên tới trên 4.200 con lợn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN