Tại Hà Nam: Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi; tổ chức tuyên truyền, tập huấn việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học đối với trang trại chăn nuôi lợn, cơ sở giết mổ lợn tập trung
Ngoài ra, các ngành chức năng giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; triển khai Tháng vệ sinh, khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất.
Nếu phát hiện ổ dịch bệnh tả lợn Châu Phi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện nơi có dịch chỉ đạo các địa phương huy động nguồn lực nhanh chóng thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt dịch bệnh, không để dịch lây lan. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức chống dịch bệnh theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam Nguyễn Mạnh Hùng cũng khuyến cáo bà con chăn nuôi lợn cần hết sức bình tĩnh, không hoang mang bán tháo lợn khiến giá lợn bị đẩy xuống thấp gây thiệt hại về kinh tế.
Cùng với đó, bà con cần theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn lợn, nếu lợn có biểu hiện sốt cao, nghi mắc tả lợn châu Phi phải báo cáo ngay với cơ quan chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm. Trường hợp xét nghiệm dương tính với tả lợn Châu Phi thì phải tiến hành tiêu hủy 100% lợn mắc bệnh và thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập dịch theo đúng quy định. Khi lợn bị tiêu hủy sẽ được nhà nước hỗ với mức 32.000 đồng/kg nên bà con hoàn toàn yên tâm không phải lo bán tháo lợn.
Tại Nam Định: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan đã yêu cầu các địa phương cũng như các ngành chức năng trong tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai biện pháp, quy trình quản lý dịch bệnh từ hộ, cơ sở chăn nuôi và các nguy cơ lây lan từ bên ngoài để ngăn dịch xâm nhập vào địa bàn. Đồng thời, tỉnh khuyến khích nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn.
Lực lượng chức năng phối hợp với địa phương kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh phòng dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định lưu ý các địa phương phát huy vai trò giám sát của nhân dân, cộng đồng trong phát hiện, tố giác những vi phạm trong hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm mắc bệnh trên địa bàn. Việc tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng thực hiện tốt, nhất là những nơi có nguy cơ nhiễm, phát sinh dịch cao, vùng giáp ranh với các tỉnh đã xuất hiện dịch. Các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch, không giấu dịch. Khi phát hiện lợn có biểu hiện bệnh, lợn chết phải báo ngay cho cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý theo quy định.
Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, UBND tỉnh Nam Định đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong các tình huống: chưa phát hiện dịch và khi phát hiện dịch bệnh trên địa bàn để các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện.
Tỉnh Nam Định cũng triển khai đồng loạt biện pháp ngăn dịch, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc từ vùng đã, đang xảy ra dịch vào địa bàn tỉnh; giám sát chặt chẽ người và phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm từ thịt lợn tại các điểm đầu mối giao thông, bến phà, đò, nơi giáp ranh với các tỉnh lân cận.
Căn cứ vào tình hình thực tế, UBND huyện, thành phố quyết định thành lập các chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông và đội kiểm dịch lưu động để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý những trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ thịt lợn vào hoặc đi qua địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật.
Tại Vĩnh Long: Một trong những yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long tại hội nghị triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long tổ chức ngày 27/2 là theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn lợn trên địa bàn tỉnh và tổng hợp diễn biến tình hình bệnh dịch trong nước để có giải pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tập trung kiểm soát chặt chẽ tại trạm, chốt kiểm dịch động vật 24/24 giờ. Ban chỉ đạo 389 của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc vào tỉnh.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng tổng tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, chú trọng các khu vực nguy cơ cao như: nơi lưu trữ gia súc, phương tiện vận chuyển gia súc vào địa bàn tỉnh, cơ sở giết mổ, quầy sạp mua bán sản phẩm động vật ở các chợ, cơ sở chăn nuôi tập trung và hộ chăn nuôi gia đình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi và chuẩn bị sẵn sàng phương án thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên động vật cấp huyện, xã để chủ động ứng phó khi có dịch xảy ra.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long Lê Thanh Tùng khuyến cáo, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan, người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện “5 không” theo đúng quy định của Luật Thú y. Cụ thể là không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.