Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cùng với Trạm Thú y, cán bộ Thú y tại các địa phương cơ sở phối hợp với chính quyền các cấp tập trung kiểm soát giết mổ; giám sát việc nhập gia súc vào cơ sở giết mổ, kiểm tra lâm sàng trước, trong và sau khi giết mổ để phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.
Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình giết mổ. Các cán bộ kiểm soát giết mổ kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc sản phẩm động vật kinh doanh tại chợ, đặc biệt là gia súc và gia cầm tươi sống.
Qua kiểm dịch, những tổ chức, cá nhân vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, nhiễm bệnh, làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Một trong những giải pháp là trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, các cơ sở giết mổ động vật có quy mô nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh theo quy định sẽ bị đình chỉ hoạt động. Các trường hợp buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định cũng sẽ bị xử lý nghiêm….
Việc tuyên truyền về dịch tả lợn châu Phi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị, Trạm Thú y, cán bộ thú y tại các địa phương tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về đặc điểm của dịch tả lợn châu Phi nhằm kịp thời phát hiện khi dịch xuất hiện; hướng dẫn phương pháp tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi cho các hộ dân.
Tỉnh Quảng Trị có tổng đàn lợn hơn 260.000 con; trong đó, các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh là những địa phương có số lượng lợn lớn của tỉnh, ước tính tổng đàn lợn của 5 huyện này khoảng 210.000 con.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị, với việc triển khai đồng bộ giải pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi như hiện nay, tỉnh Quảng Trị sẽ kịp thời phát hiện nếu dịch xuất hiện trên địa bàn, qua đó sớm triển khai giải pháp dập dịch, giảm thiệt hại kinh tế ở mức thấp nhất cho người nuôi.
Trong khi đó, tại tỉnh Thái Bình, dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, không phát hiện thêm ổ dịch mới. Tại 2 xã xuất hiện dịch là xã Đông Đô (huyện Hưng Hà) và xã Lô Giang (huyện Đông Hưng) không phát hiện thêm lợn dương tính với vi rút tả châu Phi.
Theo Luật Thú y hiện hành, điều kiện công bố dịch cấp tỉnh phải có 2 huyện trở lên công bố dịch trên quy mô toàn huyện. Trong khi đó hiện nay huyện Hưng Hà, Đông Hưng chỉ mới công bố dịch tại 1 xã, do vậy đến nay tỉnh Thái Bình chưa phải công bố dịch cấp tỉnh.
Để phòng chống sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, UBND huyện Đông Hưng đã triển khai tiêu độc khử trùng, lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn và các hộ chăn nuôi xung quanh vùng phát hiện dịch bệnh; đồng thời tổ chức lập chốt kiểm soát, khoanh vùng 6 xã nằm trong vùng bị bệnh dịch uy hiếp gồm: Minh Tân, Thăng Long, Chương Dương, Hợp Tiến, An Châu, Mê Linh và các xã vùng đệm gồm: Phong Châu, Phú Lương, Đô Lương, Minh Châu, Hoa Lư, Hồng Việt (huyện Đông Hưng).
Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, việc tiêu hủy được áp dụng trong vòng 48 giờ với đàn lợn có triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn châu Phi mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm.
Là địa phương có số lượng đàn lợn lớn ở Đông Nam bộ, giao thông nối liền nhiều tỉnh, trước nguy cơ bị xâm nhiễm bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Bình Dương cũng đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp p.
Ông Trần Phú Cường - Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết, khi có những thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó và giải quyết hậu quả về bệnh dịch.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp, chỉ đạo sở, ngành liên quan và địa phương chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để ứng phó dịch bệnh như: Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó của từng địa phương; tuyên truyền việc thực hiện biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn; tham mưu triển khai các giải pháp kỹ thuật tương ứng với các tình huống ứng phó.
Các đơn vị rà soát, thống kê tổng đàn lợn cụ thể theo số trại, số hộ chăn nuôi của từng địa phương; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu và nhân lực cần thiết cho việc tổ chức giám sát, điều tra ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm và chống dịch khi dịch bệnh xảy ra; tăng cường các chốt trạm kiểm tra các xe chở động vật ở các cửa ngõ liên tỉnh.
Trường hợp phát hiện ổ dịch hay bệnh, ngành chức năng phải phối hợp tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị bệnh trong vòng 24 giờ, áp dụng kỹ thuật, phương pháp tiêu hủy theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; khoanh vùng khống chế dịch bệnh, tổ chức tiêu độc khử trùng trong vùng dịch bệnh và vùng có nguy cơ lây lan.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời báo cáo định kỳ và đột xuất cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về diễn biến tình hình dịch bệnh, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra và khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh…
Ông Cường cho biết thêm, dù dịch tả lợn châu Phi không gây nguy hiểm cho người nhưng do thế giới chưa tìm ra được thuốc điều trị, khi có dịch bệnh sẽ gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế nếu không thể kiểm soát. Bệnh này không lây và ảnh hưởng đến con người, do đó, người tiêu dùng tỉnh táo, không nên vì hoảng sợ mà quay lưng với thịt lợn.