Trong 2 tháng 11-12/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang tiến hành quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông đợt 2 năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Đây là chương trình quan trắc định kỳ hằng năm nhằm đưa ra cảnh báo nguy cơ sạt lở trên các đoạn sông chính thuộc địa bàn tỉnh An Giang, phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai và đề xuất giải pháp hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra.
Qua quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đã hoàn thành khảo sát, đo đạc thực địa, hiệu chỉnh, tính toán và phân tích số liệu các tuyến sông, kênh, rạch chính như: sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di, sông Châu Đốc, sông Cái Vừng, kênh Xáng Tân An, rạch Ông Chưởng, rạch Cái Sắn... với tổng chiều dài 181.450 m.
Qua tính toán đo đạc, quan trắc cảnh báo sạt lở, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cảnh báo toàn tỉnh có 56 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm. Trong đó có 1 đoạn ở mức độ bình thường, 49 đoạn ở mức độ nguy hiểm và 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang lưu ý các địa phương có 5 đoạn rất nguy hiểm đặc biệt cần chú ý.
Theo cảnh báo, các địa phương đặc biệt lưu ý 5 đoạn sông có nguy cơ sạt lở cao như: Đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An (huyện Phú Tân) có đáy sông sâu, sát bờ, sạt lở xảy ra đột xuất; đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) sạt lở mạnh hằng năm, trong đó sạt lở mạnh thuộc 2 ấp Vĩnh Tường 1 và Vĩnh Lợi 2 với chiều dài 4.400 m. Đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) có đáy sông sâu và gần Quốc lộ 91, hình thái đáy sông cho thấy nguy cơ sạt lở rất cao và nguy hiểm dài 2.300 m, kéo dài từ Vàm Kênh Cây Dương đến Bến phà Năng Gù. Đoạn sông Hậu, sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới từ xã Kiến An đến chợ xã Mỹ Hội Đông dài 6.000 m điểm cuối là chùa Liên Hoa và đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên khu vực ấp Mỹ Thuận và ấp Mỹ Khánh, dài 3.300 m.
Để hạn chế thiệt hại về người, tài sản do sạt lở khi mùa mưa đến gần, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đề nghị các Sở, ngành và UBND các huyện tăng cường công tác cảnh báo, phòng chống sạt lở đất bờ sông. Giải pháp cần làm ngay là các Sở, ngành phối hợp, hỗ trợ các địa phương rà soát, khảo sát, thiết kế, gia cố các tuyến đường giao thông có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm; triển khai thực hiện có hiệu quả tổ ứng phó thiên tai khẩn cấp, đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả khi sạt lở xảy ra.
Về giải pháp căn cơ lâu dài phòng, chống sạt lở, ông Tô Hoàng Môn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cho biết: Sở sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo, theo dõi, quan trắc cảnh báo các đoạn sông xảy ra sạt lở; tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp nạo vét, khơi thông, chỉnh trị dòng chảy các đoạn sông, kênh, rạch hạn chế sạt lở. Song song đó, ngành Tài nguyên phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện dự án xây dựng hệ thống cảnh báo sớm sạt lở; khảo sát, đánh giá, nghiên cứu sâu, tổng thể về chế độ dòng chảy, quy luật thủy văn, các nguyên nhân gây sạt lở, chú ý ở các điểm có ảnh hưởng lớn đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Để phòng, chống sạt lở bờ sông, ông Tô Hoàng Môn cho rằng: Các địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn. Đặc biệt không để phát sinh, cải tạo gia tăng tải trọng nhà ở, công trình trên bờ sông, kênh, rạch trái phép; thường xuyên tăng cường theo dõi, tuyên truyền, cảnh báo người dân; thông báo ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: An Giang có địa hình tương đối cao hơn một số tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hằng năm chịu tác động của lũ từ thượng nguồn đổ về từ tháng 6 đến tháng 11. An Giang có nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh. Vì vậy, hằng năm tỉnh ghi nhận số vụ sạt lở đất bờ sông nhiều hơn một số tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh đã yêu cầu các Sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện kế hoạch quan trắc, cảnh báo sạt lở đất bờ sông định kỳ 2 đợt/năm và quan trắc đột xuất nhằm cập nhật hiện trạng, nhận định diễn biến nguy cơ xảy ra sạt lở tại các đoạn sông được cảnh báo. Từ đó thông tin kịp thời đến các địa phương, người dân để có biện pháp ứng phó.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết: UBND tỉnh cũng chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc khai thác cát sông trái phép; quản chặt việc khai thác cát, sỏi lòng sông tại những khu vực có nguy cơ gia tăng rủi ro sạt lở. Tỉnh cũng tranh thủ vốn Trung ương để đầu tư các cụm tuyến dân cư cho các khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm và tập trung rà soát, sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư sinh sống tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để tránh gây thiệt hại về người và tài sản của người dân khi xảy ra sạt lở.
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy 129 vụ sạt lở, rạn nứt, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài trên 6.760 m. Trong đó, huyện An Phú xảy ra nhiều nhất với 30 vụ, Chợ Mới 27 vụ, Châu Phú 22 vụ, Phú Tân 14 vụ… Sạt lở ảnh hưởng, gây thiệt hại 90 căn nhà người dân; gây thiệt hại về đường giao thông, kho trấu, nhà máy xay xát lúa gạo của người dân. Qua thống kê, sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch gây thiệt hại về đất với số tiền gần 12,8 tỷ đồng. Trong năm 2023, An Giang còn xảy ra 2 vụ sạt lở đá núi trên địa bàn huyện Thoại Sơn và thị xã Tịnh Biên gây cản trở cho người dân và phương tiện đi lại trên núi, làm ảnh hưởng giao thông 1/2 mặt đường.