Ukraine gặp khó trong sửa chữa vũ khí hiện đại của phương Tây

7 tháng sau xung đột nổ ra giữa Nga và Ukraine, những vũ khí mà phương Tây cung cấp đang có dấu hiệu hao mòn và cần sửa chữa.

Chú thích ảnh
Xe tải chở theo phương tiện quân sự hạng nặng di chuyển trên một con đường ở Ba Lan. Ảnh: DPA

Theo báo Đức DW, 50 quốc gia đang hỗ trợ Ukraine đã thiết lập một trung tâm viện trợ quân sự. Trung tâm viện trợ quân sự này chỉ cách biên giới Ba Lan – Ukraine 1 giờ lái xe.

Hành khách tới sân bay Rzeszow ở Đông Nam Ba Lan hầu như không nhận ra rằng trung tâm viện trợ quân sự quan trọng nhất cho Ukraine đã được thiết lập tại đây. Các xe vận tải quân sự liên tục xuất hiện trên các tuyến đường trong khu vực. Những người đi ô tô qua đây cho biết gần như mỗi ngày họ đều chứng kiến các binh sĩ lái những chiếc xe tải dân dụng tranh thủ nghỉ ngơi tại các trạm dừng chân trên đường cao tốc.

Tuy nhiên, chi tiết về cách thức viện trợ của phương Tây đến được với quân đội Ukraine vẫn là một trong những bí mật được giữ kín nhất.

Mãi cho đến gần đây, thông tin khu vực biên giới Ba Lan trở thành trung tâm viện trợ quân sự cho Ukraine mới được Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngầm xác nhận. Giữa tháng 9, sau một chuyến công du tới Kiev, Ngoại trưởng Annalena Baerbock nói một trung tâm bảo dưỡng tại biên giới Ba Lan – Ukraine sẽ được thành lập.

Theo Tướng Christian Freude – Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Đức tại Ukraine, hệ thống pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 mà Đức chuyển giao cho Ukraine đang có dấu hiệu hao mòn. Vào đầu tháng 9, ông đã tới Kiev tham gia hội đàm với các nhà lãnh đạo quân đội Ukraine.

“Hệ thống pháo đã được đưa vào sử dụng trong chiến đấu từ tháng 5. Tất nhiên, giờ chúng gặp phải số hạn chế về khả năng sẵn sàng hoạt động. Một lực lượng đặc nhiệm đang làm việc để đảm bảo hệ thống pháo binh duy trì khả năng liên tục và trạng thái sẵn sàng hoạt động cao”, Tướng Freude chia sẻ.

Chú thích ảnh
Hệ thống pháo binh di động được sử dụng phổ biến ở miền Đông Ukraine. Ảnh: Kyodo

Trong những tuần này trước khi mùa Đông đến gần, các bên sẽ tập trung sửa chữa các loại vũ khí phương Tây bị hao mòn sau những trận chiến diễn ra ác liệt với cường độ cao.

“Hoạt động hậu cần cần phải được đẩy mạnh. Và đây là chính xác chuyện đang diễn ra”, chuyên gia an ninh Wolfgang Richter thuộc Viện các vấn đề an ninh tiết lộ chính phủ nước này đang thảo luận về việc liệu có nên cấp xe tăng chủ lực Leopard-2 cho Ukraine hay không.

Ông Richter cũng chỉ ra các linh kiện cho hệ thống vũ khí phương Tây cần phải được đặt trong trạng thái sẵn sàng và gần với biên giới Ukraine nhất có thể. Bên cạnh đó, các binh sĩ cũng cần được đào tạo để có khả năng sửa chữa những hệ thống vũ khí hiện đại này.

Tuy nhiên, đây sẽ là một thách thức lớn do các nước phương Tây chuyển giao quá nhiều loại vũ khí khác nhau cho Ukraine.

“Những hệ thống pháo binh khác biệt sẽ kéo theo khác biệt về linh kiện thay thế. Có những hệ thống do Pháp, Italy, Anh, Mỹ và Đức sản xuất. Thiết bị quân sự từ nhiều nước cần các linh kiện hoàn toàn khác nhau và số lượng lớn”, chuyên gia chỉ ra.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo DW)
Hungary: Các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới xung đột tại Ukraine 'thất bại hoàn toàn'
Hungary: Các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới xung đột tại Ukraine 'thất bại hoàn toàn'

Ngày 25/9, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto cho rằng, các biện pháp trừng phạt Nga đang gây thiệt hại cho chính châu Âu và là "thất bại hoàn toàn", đồng thời nhấn mạnh Hungary không chấp nhận bất kỳ biện pháp trừng phạt nào gây nguy hiểm cho nguồn cung năng lượng của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN