Hungary: Các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới xung đột tại Ukraine 'thất bại hoàn toàn'

Ngày 25/9, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto cho rằng, các biện pháp trừng phạt Nga đang gây thiệt hại cho chính châu Âu và là "thất bại hoàn toàn", đồng thời nhấn mạnh Hungary không chấp nhận bất kỳ biện pháp trừng phạt nào gây nguy hiểm cho nguồn cung năng lượng của mình.

Chú thích ảnh
Hệ thống khai thác khí đốt của Nga. Ảnh minh hoạ: TASS/TTXVN

Ông Szijjarto nói trên kênh phát thanh MR1 rằng, các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga liên quan xung đột tại Ukraine là nguyên nhân khiến lạm phát của khối tăng vọt, chi phí tiện ích, giá khí đốt tự nhiên và giá thực phẩm đều tăng, trong khi kinh tế châu lục đi vào suy thoái.    

Ông Szijjarto gọi gói trừng phạt thứ 8 trong dự kiến của EU với Nga là một "hướng đi sai", nhưng lưu ý rằng chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này và thậm chí cũng chưa có đề xuất chính thức nào được chuẩn bị. Ông khẳng định: "Chúng tôi sẽ không đồng ý với bất kỳ quyết định nào có thể gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Hungary. An ninh nguồn cung năng lượng của chúng tôi vẫn là ranh giới đỏ. Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ biện pháp trừng phạt nào gây nguy hiểm cho nguồn cung năng lượng của mình”.

Trong khi đó, cũng liên quan đến vấn đề trừng phạt Nga, theo một đề xuất chung do báo chí tiếp cận được, 5 nước thành viên EU gồm Ba Lan, Ireland, Litva, Estonia và Latvia đã đề nghị EU ngừng nhập khẩu  kim cương của Nga. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh EU đang xem xét đưa ra gói trừng phạt mới đối với Moskva.

EU sẽ cần sự đồng thuận của toàn bộ các thành viên để thông qua lệnh cấm từng bị Bỉ - nước có trung tâm buôn bán kim cương lớn nhất thế giới là thành phố Antwerp – phản đối. Tuy nhiên, các nguồn tin quan chức và ngoại giao EU tham gia chuẩn bị gói trừng phạt mới cho biết, nhiều khả năng Bỉ sẽ từ bỏ lập trường phản đối này.

Tuấn Anh (TTXVN)
EU giảm lệ thuộc nguồn cung năng lượng từ Nga, xuất khẩu khí đốt của Ai Cập tăng vọt
EU giảm lệ thuộc nguồn cung năng lượng từ Nga, xuất khẩu khí đốt của Ai Cập tăng vọt

Trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra, Nga cung cấp hơn 40% lượng khí đốt nhập khẩu của EU, nhưng giờ đây EU đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Trong bối cảnh đó, vai trò của Ai Cập được đặc biệt coi trọng, giúp doanh thu xuất khẩu khí đốt của nước này tăng vọt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN