Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), nhóm nghiên cứu do ông Yang Xiaogang thuộc Đại học Kỹ thuật Tên lửa Quân sự ở Tây An (Trung Quốc) cho biết họ đã rất nỗ lực và đạt được những bước tiến quan trọng trong việc giải quyết làm thế nào để tên lửa đạt vận tốc gấp 5 lần tốc độ âm thanh có thể ngắm trúng mục tiêu đang di chuyển. Yang và các đồng sự cam kết sẽ tìm ra các giải pháp trước năm 2025.
Trong bài viết đăng trên tạp chí khoa học Infrared and Laser Engineering (Kỹ thuật Hồng ngoại và Laser), các nhà nghiên cứu giải thích vì một tên lửa siêu vượt âm có thể di chuyển một quãng đường rất lớn chỉ trong giây lát nên chỉ cần một sai sót nhỏ trong hệ thống định vị và dẫn đường cũng có thể dẫn tới hậu quả bắn trượt. Ngoài khoảng cách, tín hiệu nhiệt của các vật thể nhỏ đang di chuyển “chỉ to vài pixel và không thể hiện rõ các thông tin chi tiết như hình dạng, kết cấu và cấu trúc”, từ đó khiến việc nhận dạng và theo dõi trở nên “cực kỳ khó khăn”. Bên cạnh đó, cảm ứng nhiệt cần một môi trường lạnh để hoạt động một cách hiệu quả, song nhiệt độ bề mặt tên lửa có thể tăng cao tới vài nghìn độ C và dẫn tới tình trạng nhiễu.
Với công nghệ tầm nhiệt mới, tên lửa Trung Quốc có thể loại bỏ những mục tiêu giá trị cao ở khoảng cách xa khi đang di chuyển với vận tốc không tưởng, nhằm “mở rộng quy mô ứng dụng vũ khí siêu vượt âm trong một cuộc chiến khu vực”.
Trước đó, các vũ khí siêu vượt âm ban đầu được phát triển để tấn công các hệ thống phòng không và các mục tiêu cố định trên mặt đất. Nhiều người cho rằng khả năng cơ động hạn chế ở tốc độ cao sẽ khiến việc tên lửa siêu vượt âm bắn trúng mục tiêu đang di chuyển là không thể.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cho thấy năng lực ngày càng gia tăng trong việc ngăn chặn các mục tiêu di động, bao gồm thử nghiệm bắn hạ mẫu tàu sân bay được lắp đặt trên đường ray ở sa mạc Gobi. Tuy nhiên, tàu sân bay vẫn là một mục tiêu tương đối dễ theo dõi vì kích thước lớn và việc di chuyển có thể nắm bắt được từ trước. Vấn đề chỉ phức tạp hơn khi diễn ra trên đường phố, nơi có nhiều phương tiện cùng tham gia một lúc.
Theo ông Yang, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một phương pháp nhận dạng và theo dõi mục tiêu mới.
Một thiết bị tầm nhiệt truyền thống phân tích các hình ảnh được tạo ra bởi các cảm biến hồng ngoại theo từng khung hình. Nhưng ở tốc độ Mach 5 hoặc nhanh hơn, sự khác biệt giữa hai khung hình liền kề có thể rất lớn, khiến máy tính khó tìm thấy sự nhất quán, đặc biệt là khi mục tiêu nhỏ và đang di chuyển.
Công nghệ mới sẽ sử dụng dữ liệu được thu thập bởi cảm biến chuyển động để điều chỉnh pixel, sao cho hầu hết các yếu tố như góc nhìn, ánh sáng và kích thước trong từng khung hình sẽ nhất quán với nhau.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra mặc công nghệ hiệu chuẩn này rất phức tạp, nhưng sẽ tạo ra một hình ảnh rõ ràng và ổn định hơn.
Quân đội Trung Quốc ngày càng tin vũ khí siêu vượt âm sẽ thay đổi bản chất của trận chiến và đang đầu tư mạnh mẽ để đạt được lợi thế về công nghệ. Theo một số nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học quân sự Trung Quốc, một số chỉ huy cấp cao vẫn có thể trở thành mục tiêu bị tấn công ngay cả khi họ ở phía sau chiến tuyến hơn 1.000 km và được bảo vệ bởi nhiều lớp hệ thống phòng không. Các phương tiện quân sự đắt tiền như tàu sân bay và chiến đấu cơ tàng hình cũng sẽ mất lợi thế và ít khả năng phòng thủ trước tên lửa siêu vượt âm.
Hiện có khoảng 3.000 nhà khoa học được huy động tham gia chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm của Quân Giải phóng nhân dân (PLA).