Pháp và Đức lại bất đồng về việc mua vũ khí Mỹ

Trong khi Đức muốn mua hệ thống phòng không của Mỹ vì yếu tố nhanh, Pháp muốn châu Âu tự phát triển.

Chú thích ảnh
Pháp và Đức vẫn bất đồng về Sáng kiến ​​Lá chắn Bầu trời châu Âu (ESSI) do Đức dẫn đầu với 19 nước tham gia. Ảnh: Politico.eu

Tranh cãi kéo dài giữa Pháp và Đức về việc liệu các nước châu Âu có nên mua vũ khí của Mỹ hay không đã được phơi bày trong một cuộc phỏng vấn chung của tờ Le Monde với các bộ trưởng quốc phòng hai nước EU trên ngày 20/9.

Nội dung bất đồng chính là Sáng kiến ​​Lá chắn Bầu trời châu Âu (ESSI) do Đức dẫn đầu, được triển khai vào mùa thu năm 2022, quy tụ 19 quốc gia và dựa trên việc mua sắm chung các hệ thống phòng không. Kế hoạch này nhằm mục đích tạo ra một hệ thống phòng không bốn cấp độ, từ phòng thủ chiến trường ngay lập tức đến khả năng ngăn chặn các mối đe dọa tầm xa. ESSI nhằm mục đích mang lại cho các thành viên NATO khả năng phòng không mạnh mẽ hơn dựa trên kinh nghiệm thu được từ cuộc xung đột Nga -  Ukraine.

Dự án bao gồm việc mua vũ khí của Đức, Mỹ và Israel: Hệ thống Phòng không Tầm gần (LVS NNbS), bao gồm một tháp pháo gắn trên xe chiến đấu bọc thép và được trang bị radar, pháo và tên lửa; Tên lửa không đối không tầm trung IRIS-T SLM của Đức; tên lửa đất đối không tầm xa Patriot do Mỹ sản xuất; và tên lửa chống đạn đạo Arrow tầm xa của Israel.

Các hệ thống vũ khí từ ngoài châu Âu đang gây tranh cãi, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tìm cách thuyết phục những nước châu Âu ký hợp đồng với ngành công nghiệp của EU thay vì chi tiền châu Âu cho các công ty Mỹ, Israel và Hàn Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cho biết: “Vào thời điểm mà những người nộp thuế ở châu Âu sắp phải bỏ ra rất nhiều tiền. Mọi người sẽ đồng ý rằng chúng ta sẽ tăng cường quyền tự chủ của mình không phải bằng cách mua hệ thống Patriot của Mỹ”, lặp lại những bình luận của Tổng thống Macron vào tháng 6 vừa qua.

Tuy nhiên, người đồng cấp Đức Boris Pistorius cho biết tốc độ là điều cốt yếu và ngành công nghiệp châu Âu không thể đáp ứng mọi nhu cầu hiện tại.

Ông Pistorius nói: “Điều quan trọng đối với chúng ta là có một lá chắn bao trùm châu Âu càng nhanh càng tốt. Chúng ta sẵn sàng mua các hệ thống ngoài châu Âu cho đến khi chúng ta phát triển được hệ thống của riêng mình ở châu Âu. Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu, bao gồm cả Pháp, rõ ràng là những đối tác quan trọng, nhưng họ không thể cung cấp mọi thứ chúng ta cần”.

Theo kế hoạch, 2 bộ trưởng Quốc phòng của Pháp và Đức sẽ gặp nhau ngày 21/9 tại căn cứ không quân Évreux của Pháp để thảo luận về kế hoạch chung giữa hai nước về xe tăng chiến đấu thế hệ tiếp theo - được gọi là Hệ thống Chiến đấu Trên bộ Chủ yếu (MGCS) - và cả hai đều nhấn mạnh rằng dự án này vẫn còn rất triển vọng.

MGCS được ông Macron và Thủ tướng Đức khi đó là Angela Merkel khởi xướng vào năm 2017, nhằm thay thế xe tăng Leclerc của Pháp và xe tăng Leopard 2 của Đức trong khoảng thời gian từ năm 2035 đến năm 2040. Nhưng dự án đã bị trì hoãn do những bất đồng kéo dài giữa Pháp và Đức về việc phân chia trách nhiệm chế tạo xe tăng mới và triển vọng xuất khẩu, cùng với nhiều lý do khác. 

Bộ trưởng Lecornu cho biết ngày 21/9, ông và người đồng cấp Đức sẽ chính thức phê duyệt các nội dung cho MGCS. Về phần mình, ông Pistorius cho biết thêm các nước EU khác đều được hoan nghênh tham gia dự án.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)
Nguyên nhân bất ngờ khiến Ukraine từ chối nhận 10 xe tăng Leopard của Đức
Nguyên nhân bất ngờ khiến Ukraine từ chối nhận 10 xe tăng Leopard của Đức

Ukraine đã từ chối không nhận 10 xe tăng Leopard 1 của Đức do tình trạng kém, theo tờ Spiegel của Đức ngày 20/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN