Đây là thời điểm Lầu Năm Góc tăng tốc trong cuộc đua phát triển vũ khí thế hệ mới với Nga và Trung Quốc.
Không quân Mỹ ngày 14/5 xác nhận vào hôm 5/5 máy bay ném bom B-52 Stratofortress đã thực hiện hành trình kéo dài 13 tiếng từ căn cứ không quân Barksdale ở Louisiana tới Alaska để thử nghiệm khả năng truyền dữ diệu và xác định mục tiêu của vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183.
Tờ Newsweek (Mỹ) cho biết ARRW là tên lửa siêu thanh do tập đoàn Lockheed Martin phát triển cho Không quân Mỹ. Người phát ngôn của Không quân Mỹ Savanah Bray chia sẻ với tờ Stars and Stripes rằng cuộc thử nghiệm là “cột mốc quan trọng”.
Lịch trình bay thử nghiệm ARRW vào tháng 12/2020 đã bị trì hoãn với Không quân Mỹ đưa lý do là dịch COVID-19 và vấn đề kỹ thuật. Vào đầu tháng 4, thử nghiệm được tiến hành nhưng thất bại do tên lửa ARRW không thể phóng từ máy bay ném bom.
Tạp chí Không quân Mỹ trong tháng 10/2020 đã dẫn lời Tướng Andrew Gebara tiết lộ ARRW có thể đạt tốc độ Mach 6.5 và Mach 8.
Không quân Mỹ đã hoàn thiện giai đoạn đầu thử nghiệm ARRW. Lực lượng này kỳ vọng có thể bắn thử ARRW lần đầu tiên vào tháng 10/2021.
Tên lửa siêu thanh được coi là “cách mạng” trong vũ khí hiện nay bởi tốc độ, quỹ đạo phẳng… gây khó khăn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện hành. Nga và Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu công nghệ siêu thanh. Đặc biệt là Nga đã có bước tiến lớn khi quân đội nước này đã phiên chế hai vũ khí siêu thanh.
Trong Thông điệp Liên bang năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập đến tên lửa siêu thanh có tên Avangard. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Avangard có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa và đạt vận tốc gấp 20 lần tốc độ âm thanh. Bên cạnh đó là tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon có thể đạt tốc độ 9 Mach và tấn công được cả mục tiêu trên biển và trên bộ ở khoảng cách 1.000 km.
Trong khi đó, một số nhà phân tích quân sự cho rằng phương tiện bay siêu thanh của Trung Quốc có khả năng qua mặt được hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ (THAAD).