Nga tuyên bố sẽ tấn công để chặn nguồn cung tên lửa S-300 cho Ukraine

Moskva tuyên bố bất kỳ nguồn cung cấp vũ khí nào cho Ukraine sẽ bị coi là "mục tiêu hợp pháp".

Theo trang tin châu Âu Euractiv.com ngày 18/3, Nga cho biết họ sẽ tấn công "các chuỗi cung cấp hệ thống phòng không S-300 tiềm năng" cho Ukraine, sau tuyên bố của Slovakia rằng nước này sẵn sàng chuyển giao cho Ukraine nếu chúng được thay thế ngay lập tức.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa S-300 của Nga tại một lễ duyệt binh. Ảnh: Euractiv.com

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moskva "sẽ không cho phép" chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không S-300, sau khi Slovakia thông báo sẽ cung cấp tên lửa của họ cho Ukraine.

Ông Lavrov thậm chí còn khẳng định rằng bất kỳ nguồn cung cấp vũ khí nào cho Ukraine sẽ bị Nga coi là "mục tiêu hợp pháp".

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho biết Bratislava sẵn sàng cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không S-300 nếu các đồng minh NATO tìm được vũ khí thay thế. Hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ được coi là tương đương với S-300 do Liên Xô sản xuất.

Tuyên bố của ông Nad được đưa ra trong bối cảnh chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Slovakia.

“Chúng tôi đã thảo luận với Mỹ, Ukraine và các đồng minh khác về khả năng triển khai, gửi hoặc chuyển giao S-300 cho Ukraine và Slovakia đã sẵn sàng khi chúng tôi có nguồn thay thế thích hợp", ông Nad phát biểu trong một cuộc họp báo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từ chối cho biết liệu Washington có thể sẵn sàng "lấp đầy khoảng trống tên lửa" của Slovakia hay không.

“Tôi không có bất kỳ thông báo nào chiều nay. Đây là những điều mà chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với tất cả các đồng minh của chúng tôi. Chắc chắn, đây không chỉ là vấn đề của riêng Mỹ. Đó là một vấn đề của NATO”, ông Austin nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 16/3 thông báo hỗ trợ an ninh bổ sung 800 triệu USD, trong đó có vũ khí cho Ukraine. Nhưng các loại hệ thống phòng không được triển khai ở Slovakia, mà quân đội Ukraine quen thuộc, lại được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rất muốn có.

Slovakia là một thành viên NATO, có một tổ hợp hệ thống phòng không S-300, kế thừa từ thời Liên Xô sau khi Tiệp Khắc tan rã năm 1993.

Nước này dự kiến ​​sẽ nhận được các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot như một phần của nhóm tác chiến mới của NATO vừa được đồng ý triển khai tại quốc gia này, thuộc lực lượng tiếp viện của NATO ở sườn phía Đông của liên minh.

Slovakia có đường biên giới dài 98 km với Ukraine. Ông Lloyd Austin cũng đến thăm Bulgaria ngày 18/3. Bulgaria cũng có các hệ thống S-300, nhưng nước này nói rõ rằng họ không có kế hoạch gửi bất kỳ hệ thống tên lửa nào tới Ukraine.

Tổng thống Bulgaria Rumen Radev nói rằng bất kỳ nguồn cung cấp vũ khí nào cho Ukraine đều đồng nghĩa với việc nước này bị lôi kéo vào cuộc xung đột và một vấn đề như vậy nên để Quốc hội quyết định.

Ông Radev lưu ý rằng Bulgaria cần S-300 cho lực lượng phòng không của mình, đặc biệt là bảo vệ nhà máy điện hạt nhân Kozlodui.

Công Thuận/Báo Tin tức
Quy chế trung lập cho Ukraine là gì, liệu có thể mang tới hoà bình?
Quy chế trung lập cho Ukraine là gì, liệu có thể mang tới hoà bình?

Một số chuyên gia cho rằng việc Ukraine chấp nhận trung lập và không tham gia NATO có thể mang tới hoà bình cho nước này và có lợi cho an ninh khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN