Tháng 8 năm ngoái, Lầu Năm Góc đã ký tiếp hợp đồng thứ hai với tập đoàn Lockheed Martin trị giá hàng triệu USD để phát triển vũ khí phản ứng nhanh phóng từ máy bay (ARRW) có tên gọi AGM-183A. Không quân Mỹ cho biết hệ thống ARRW sẽ được thử nghiệm trên mặt đất và trên không trong 3 năm tới, dự kiến hoàn tất thử nghiệm vào năm 2022.
Theo trang mang Military.com, máy bay ném bom chiến lược B-52 mang theo tên lửa siêu thanh AGM-183A xuất phát từ căn cứ không quân Edwards, bang California vào ngày 12/6.
Video Không quân Mỹ thử nghiệm chuyến bay đầu tiên mang theo tên lửa AGM-183A (nguồn: The Drive):
Cuộc thử nghiệm trên là bước đi mới nhất trong việc phát triển hệ thống phòng thủ của Không quân Mỹ, trong bối cảnh các cường quốc khác trên thế giới như Trung Quốc và Nga đã có những bước tiến mạnh mẽ về vũ khí siêu thanh.
Cách đây hơn một năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố tên lửa siêu thanh tối tân mới của Nga. Hai trong số sáu vũ khí mới mà Tổng thống Putin giới thiệu vào tháng 3/2018 sẽ sẵn sàng phục vụ chiến đấu từ năm 2020.
Trong khi đó, tháng 8/2018, Trung Quốc đã lần đầu tiên thử nghiệm thành công một máy bay siêu thanh - một kỳ tích mà đến giờ Mỹ vẫn chưa hoàn thành.
Khi được hỏi về sự phát triển trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh của Trung Quốc, các kỹ sư hàng đầu tại Lầu Năm Góc miêu tả những nỗ lực của Bắc Kinh “đáng quan tâm nhiều hơn” so với những thành tựu của Moskva.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/6, tạp chí Aviation Week đưa tin Tập đoàn sản xuất vũ khí Raytheon của Mỹ hợp tác với Tập đoàn phát triển hàng không Northrop Grumman đã chế tạo loại tên lửa siêu thanh có tốc độ Mach 5. Điều này đồng nghĩa với việc công nghệ phòng thủ tên lửa hiện tại sẽ rất khó phát hiện, theo dấu và bắn hạ loại tên lửa này trước khi tên lửa tới đích ngắm.
Theo thiết kế được công ty trình bày, động cơ phản lực tĩnh siêu thanh của tên lửa này làm hoàn toàn từ các bộ phận được in 3D.