Ông Esper lo ngại vì từ năm 2001, Lầu Năm góc chỉ chú trọng các loại vũ khí chống nổi dậy để thực hiện các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Những dự án vũ khí công nghệ cao đã bị hủy bỏ để tập trung ngân sách cho các chiến dịch quân sự cường độ thấp ở các nước trên. Đây là những cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ.
Ngày nay, khi Mỹ đang rút quân khỏi Afghanistan còn các tổ chức khủng bố như IS và Al Qaeda đang suy yếu, quân đội Mỹ đang trở lại chú ý tới sự cạnh tranh của các đối thủ lớn mà tác giả Tom Roeder trên trang mạng Military.com gọi là “những kẻ thù kiểu Chiến tranh Lạnh”.
Theo bộ trưởng Esper, để duy trì vị trí dẫn đầu, Mỹ phải tập trung thay thế phần lớn các thiết bị đang sử dụng hiện nay, như xe tăng M1 Abrams, súng cối Paladin hay súng trường tấn công M-16 để phát triển các loại vũ khí tân tiến như các thiết bị tự động hóa.
Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp vũ khí Trung Quốc và Nga, nhất là trong các lĩnh vực tàu sân bay và vũ khí diệt vệ tinh, Lâu Năm góc muốn tăng chi tiêu cho chế tạo những vũ khí công nghệ cao. Ông Esper khẳng định quân đội Mỹ có kế hoạch trang bị các loại xe chiến đấu tự động -lĩnh vực mà Nga đã khá phát triển-, các loại tên lửa siêu vượt âm –mà cả Nga và Trung Quốc đều đang trong giai đoạn thử nghiệm-, và vũ khí laser -mà cả Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang phát triển.
Lục quân Mỹ đã nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ vì đã từ bỏ các chương trình vũ khí tân tiến. Bộ trưởng Esper cho rằng “các kỹ sư và doanh nhân sẽ là những người quyết định trong chiến tranh tương lai” và người thắng trong cuộc đua vũ khí công nghệ cao này sẽ là người quyết định phần thắng trên chiến trường.