Máy bay F-35B của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Ảnh: AFP |
Trong tập tài liệu báo cáo thường niên dài 62 trang của Tiến sĩ Michael Gilmore – Giám đốc viện Đánh giá và thử nghiệm hoạt động của Lầu Năm Góc (OTE), ông nhận xét F-35 không thực hiện nhiệm vụ chuẩn như những bản báo cáo của giới chức F-35, cũng như khẳng định các lỗi mà F-35 gặp phải không thể sữa chữa một sớm một chiều. Việc sửa chữa các vấn đề và nâng cấp máy bay có thể sẽ mất đến 1 tỷ USD.
Chương trình tạo ra phương tiện chiến đấu tàng hình tương lai bắt đầu từ năm 2001, được dự kiến sẽ chế tạo ra chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 phục vụ cho lực lượng Không quân, Hải quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên đến hiện tại, 70% chi phí sản xuất theo dự toán ban đầu cho chương trình đã được chi hết mà tiến độ hoàn thành vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo bản báo cáo của Tiến sĩ Gilmore, đã xuất hiện “276 lỗi trong phầm mềm Block 3F khi thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, nhưng chưa đến một nửa các lỗi đó có cách giải quyết. Các lỗi và khuyết điểm khác liên tục bị phát hiện, với tốc độ khoảng 20 lỗi/tháng”.
Bản báo cáo cũng khẳng định: “Cần phải thử nghiệm nhiều hơn nữa để đánh giá cấu trúc an ninh mạng của loại phương tiện chiến đấu này, cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ logistic”.
Tuy nhiên, nhà sản xuất F-35 dường như bỏ qua nhiều buổi kiểm tra, tuyên bố chương trình đã hoàn thành xong giai đoạn phát triển hệ thống sớm hơn dự kiến và đang chuyển sáng giai đoạn Đánh giá và Thử Nghiệm hoạt động (IOT&E) sẽ bắt đầu từ tháng 8/2017. Việc kết thúc giai đoạn phát triển hệ thống sẽ mất khoảng 500 triệu USD.
Ông Gilmore nhấn mạnh: “Với hàng trăm lỗi phần mềm và sự chậm trễ trong việc triển khai nhiệm vụ rõ ràng cho thấy chương trình không thể bắt đầu giai đoạn IOT&E với đầy đủ năng lực chiến đấu cho đến tận đầu năm 2019”.
Bên cạnh các lỗi phần mềm, chiến đấu cơ F-35 còn bị chỉ trích vì sự cố hỏng hốc về mặt cấu tạo. Cụ thể, phần kết nối giữa đuôi thẳng đứng của máy bay và khung bị “ăn mòn” nhanh hơn dự tính, trong khi hệ thống móc hãm của máy bay bị sờn chỉ sau một lần sử dụng. Vỏ động cơ nhanh chóng bị nung nóng chỉ sau một vài lần thử nghiệm, phần đuôi ngang cũng bị sức nóng phá hủy, trong khi tác động rung lắc dữ dội sau khi xuất kích F-35C gây quan ngại về sự an toàn cho phi công.
Các buổi kiểm tra hệ thống thoát hiểm cho phi công cũng để lộ nguy cơ gây cho phi công dưới 61 kg bị thương nghiêm trọng ở cổ hay dẫn đến tình trạng tử vong.
F-35 là chiến đấu cơ một động cơ đang được chế tạo dưới 3 phiên bản: F-35A cho không quân, F-35B cho lực lượng thủy quân lục chiến, và F-35C cho hải quân. Hiện chương trình chế tạo F-35 đang được tập đoàn Lockheed Martin phụ trách sản xuất.