Theo hãng tin Sputnik (Nga), Ấn Độ đã thử nghiệm thành công một tên lửa chống tăng có điều khiển thế hệ thứ ba, mang tên Nag (Helina), ở Balasore, một thành phố thuộc bang Odisha.
Được phát triển bởi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO), Helina - tên lửa phóng từ trực thăng hạng nhẹ tiên tiến, được trang bị hệ thống dẫn đường hình ảnh hồng ngoại (IIR) - có thể tấn công mục tiêu trong phạm vi lên tới 7 km.
Tên lửa này có khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm, tấn công cả các loại xe tăng di chuyển nhanh.
“Hệ thống này có thể hoạt động được cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết và tiêu diệt các xe tăng chiến đấu được trang bị giáp thông thường cũng như giáp phản ứng nổ. Tên lửa Helina cũng có thể tấn công các mục tiêu cả ở chế độ tấn công bắn thẳng cũng như chế độ tấn công vào nóc xe. Ngoài ra, phiên bản khác của hệ thống Helina là DHRUVASTRA cũng đã được đưa vào hoạt động trong Không quân Ấn Độ”, DRDO cho biết.
Các nguồn tin quốc phòng cho hay 8 tên lửa của Helina có thể được tích hợp vào một máy bay trực thăng Rudra, với bốn tên lửa mỗi bên.
Video: Xem Ấn Độ thử nghiệm tên lửa chống tăng thế hệ thứ 3 (Nguồn: Twitter):
DRDO đã chi khoảng 47 triệu USD cho việc phát triển tên lửa này. Vì tên lửa chống tăng có điều khiển Nag có thể được phóng từ cả mặt đất và trên không, nên phạm vi tấn công của nó thay đổi từ 4 km đối với tên lửa phóng từ mặt đất và 7km đối với tên lửa phóng từ trên không.
Quân đội Ấn Độ tuyên bố trong 2 thập kỷ tới, họ cần ít nhất 40.000 tên lửa chống tăng có điều khiển.