Odebrecht - tâm điểm vụ bê bối tham nhũng ở Mỹ Latinh

Vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn xây dựng hàng đầu Brazil Odebrecht từng gây chấn động tại Mỹ Latinh thời gian qua đã tiếp tục khiến dư luận quan tâm khi tập đoàn này thừa nhận đã đưa hối lộ hơn 3 tỷ USD.

Odebrecht thừa nhận đưa hối lộ hơn 3 tỷ USD

Ngày 16/4, truyền thông Brazil cho biết, khoảng 3,3 tỷ USD là số tiền Tập đoàn xây dựng hàng đầu Brazil Odebrecht đã sử dụng để hối lộ trong suốt 9 năm cho đến năm 2014.

Một công trình xây dựng của công ty Odebrecht ở Rio de Janeiro ngày 7/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo truyền thông Brazil, một bản kê khai do một cựu giám đốc Odebrecht cung cấp cho các nhà điều tra theo thỏa thuận nhận tội cho biết tập đoàn này đã hối lộ khoảng 730 triệu USD mỗi năm trong hai năm 2012 và 2013. Bản kê khai ngoài ghi lại khoản hối lộ lên tới 3,3 tỷ USD còn có các khoản chi tiêu hàng năm khác của tập đoàn Odebrecht.

Trước đó ngày 15/4, các cựu quan chức của tập đoàn Odebrecht cũng thừa nhận đã hối lộ nhiều quan chức và cố ý đội giá 6 trong 12 dự án xây dựng và cải tạo sân vận động phục vụ World Cup 2014 tại Brazil. Theo lời khai, các công ty con của tập đoàn này đã thông đồng giá thầu nhằm hưởng khoản chênh lệch từ 30 tới gần 88% so với giá trị thực trong các dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 1,72 tỷ USD nêu trên.

Những tiết lộ của lãnh đạo Odebrecht gần đây đã làm sáng tỏ quy mô cũng như cách thức tập đoàn này thường sử dụng để hối lộ các quan chức Brazil cũng như các nước khác để thắng thầu tại một loạt quốc gia Mỹ Latinh.

Hồ sơ lời khai của các cựu lãnh đạo Odebrecht không được niêm phong do có liên quan đến công tác điều tra vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil (Petrobras) dính líu tới 8 bộ trưởng đương nhiệm, 12 thống đốc và hàng chục nghị sĩ.

Tiếp đó, ngày 17/4, thẩm phán thành phố New York (Mỹ) Raymond Dearie đã ra phán quyết cho phép giảm mức tiền phạt tập đoàn xây dựng hàng đầu Brazil Odebrecht từ 4,5 tỷ USD xuống còn 2,6 tỷ USD vì hành vi hối lộ giới chính trị gia Brazil và các nước khác trong khu vực.

Thẩm phán Dearie đã đưa ra phán quyết trên sau khi Chính phủ Mỹ chấp nhận yêu cầu của Odebrecht xin hạ mức phạt so với mức ban đầu Viện Công tố Mỹ đưa ra là 4,5 tỷ USD vì hành vi hối lộ. Với số tiền phạt kể trên, ông Dearie yêu cầu Odebrecht trả 2,39 tỷ USD cho Brazil, 116 triệu USD cho Thụy Sĩ và 93 triệu USD cho Mỹ.

Tập đoàn này có nghĩa vụ trả cho nhà chức trách Mỹ trước ngày 30/6 tới và cho Brazil trước năm 2021. Bên cạnh đó, thẩm phán Dearie còn ra lệnh thành lập một giám sát viên kiểm toán độc lập theo yêu cầu của Viện Công tố Mỹ để kiểm tra việc chi trả này của Odebrecht.

Bê bối tham nhũng gây chấn động

Tập đoàn xây dựng hàng đầu Brazil Odebrecht được Norberto Odebrecht thành lập vào năm 1944. Hiện điều hành tập đoàn là Marcelo Odebrecht, cháu trai của ông Norberto Odebrecht.

Công ty hàng đầu trong tập đoàn Odebrecht là Norberto Odebrecht Contrutora và tập đoàn còn nắm quyền kiểm soát Braskem, công ty hóa dầu lớn thứ 5 thế giới với lượng hàng xuất khẩu tới 60 quốc gia trên khắp các châu lục. Odebrecht hoạt động tại 25 quốc gia, với khoảng 128.000 nhân viên và tổng doanh thu lên tới 39 tỷ USD.

Cảnh sát khám xét trụ sở công ty xây dựng Odebrecht theo lệnh của văn phòng Tổng công tố ở Santo Domingo, CH Dominica ngày 18/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, trong chiến dịch “Lavage Express" được khởi động từ tháng 3/2014, các điều tra viên cấp cao của Brazil đã phát hiện ra một số công ty xây dựng của Brazil, trong đó có Odebrecht, suốt 10 năm qua đã tìm cách hối lộ chính trị gia nhiều nước Mỹ Latinh để giành được các hợp đồng trong quá trình đấu thầu.

Cụ thể theo điều tra, Odebrecht đã đấu thầu thành công 6 dự án ở Venezuela trị giá 3,1 tỷ USD, trong đó có hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Caracas. Đổi lại, Odebrecht phải hối lộ cho các đối tác ở Venezuela 98 triệu USD.

Tại Peru, Odebrecht đã hối lộ 29 triệu USD để nhận được sự đồng ý của chính phủ giúp tập đoàn này giành được dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt trị giá 7 tỷ USD, tại Cộng hòa Dominica là 92 triệu, tại Panama là 59 triệu và 50 triệu USD ở Angola…

Riêng tại Brazil, số tiền đưa hối lộ của Odebrecht, chủ yếu trong vụ tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras, lên tới 599 triệu USD… Cơ quan điều tra Brazil cũng cho biết cơ chế đưa hối lộ của Odebrecht ở nước ngoài giống như cơ chế được thực hiện tại nước này.

Tháng 12/2016, Tập đoàn Odebrecht thừa nhận đã điều hành một mạng lưới đưa hối lộ hàng trăm triệu USD cho nhiều nhân vật tại 12 quốc gia, trong đó có Mỹ để tìm kiếm sự ủng hộ của giới chức và đạt được các hợp đồng xây dựng công trình công cộng tại các quốc gia này.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Odebrecht thừa nhận đã hối lộ 439 triệu USD tại Venezuela, CH Dominicana và Panama. Đây là những nước nhận nhiều hối lộ nhất trong vụ bê bối này. Các nhà chức trách Mỹ khẳng định đây là vụ tham nhũng lớn nhất mà cơ quan tư pháp nước này thụ lý có liên quan tới một công ty nước ngoài và số tiền phạt về hành vi đưa hối lộ cũng lên tới mức kỷ lục.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Odebrecht “điều hành một mạng lưới đưa hối lộ khổng lồ, có một không hai, trong suốt một thập kỷ để giành các hợp đồng trong quá trình đấu thầu các dự án. Odebrecht phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York và đã sử dụng hệ thống tài chính và ngân hàng Mỹ để trả số tiền "hoa hồng" lên tới hàng trăm triệu USD.

Cáo trạng của cơ quan tư pháp Mỹ cho biết từ năm 2001, Odebrecht đã "đi đêm" 788 triệu USD cho hàng trăm quan chức và chính trị gia của nhiều nước Mỹ Latinh, châu Phi và châu Âu.

Với tư cách là nước điều phối việc trừng phạt tài chính với Odebrecht liên quan đến vụ bê bối hối lộ, Bộ Tư pháp Mỹ đã ra phán quyết buộc Odebrecht phải trả khoản tiền phạt kỷ lục lên đến 4,5 tỷ USD.

Sau khi nhiều vụ bê bối tham nhũng bị phanh phui, tập đoàn Odebrecht đã nhất trí trả khoản tiền phạt 4,5 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Mỹ để dàn xếp các vụ kiện tụng. 77 giám đốc của Odebrecht cũng đã ký thỏa thuận cung cấp thông tin liên quan đến hành động phi pháp của tập đoàn này với các công tố viên Brazil để đổi lấy sự khoan hồng.

Ngày 16 và 17/2 vừa qua, công tố viên của 15 nước Mỹ Latinh đã nhóm họp tại thủ đô Brasilia của Brazil để thảo luận biện pháp đối phó với bê bối hối lộ lớn tại Tập đoàn Odebrecht và ký thỏa thuận thành lập các nhóm điều tra song phương và đa phương.

Tiếp đó, ngày 28/3, Thẩm phán liên bang Brazil Sergio Moro đã nộp lên Tòa án Tối cao Brazil một danh sách gồm hơn 200 chính trị gia bị nghi liên quan đến bê bối hối lộ tại Odebrecht.

Trong bối cảnh Brazil đang rơi vào khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử và đang trong quá trình khắc phục hậu quả vụ bê bối thịt bẩn, việc tập đoàn Odebrecht thừa nhận đưa hối lộ và đối mặt với án phạt lên đến hàng tỷ USD có khả năng khiến nền kinh tế của Brazil ngày càng trở nên khó khăn.

TTXVN/Tin Tức
Brazil bắt giữ đối tượng làm trung gian đưa hối lộ trong vụ Petrobras
Brazil bắt giữ đối tượng làm trung gian đưa hối lộ trong vụ Petrobras

Ngày 25/2, nhà chức trách Brazil đã bắt giữ hai nghi can làm trung gian đưa hối lộ cho các nghị sĩ nước này với số tiền lên tới 40 triệu USD trong vụ bê bối tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN