Dựng lại vụ án Marilyn Monroe - Kỳ 6 Ai là thủ phạm?

Liên quan đến cái chết của Marilyn Monroe, các nhà chức trách Mỹ sớm có kết luận rõ ràng. Hồ sơ vụ án cũng nhanh chóng được khép lại. Tuy nhiên, sự ra đi đột ngột của Marilyn Monroe vẫn khiến nhiều người đặt dấu chấm hỏi. Cùng với thời gian và sự dầy lên của những chồng tài liệu thu thập được, ánh mắt của những người quan tâm đến cái chết của cô đào tóc vàng đều hướng về phía anh em nhà Kennedy.

 

Chúng ta hãy thử xem xét một số tình tiết liên quan.

 

Khi chết, tay phải Marilyn Monroe nắm chặt ống nghe, trong túi ngủ là mảnh giấy nhàu nát ghi số điện thoại của Nhà Trắng. Rất có thể Marilyn Monroe đã gọi điện cho John Kennedy trước khi ra đi.

 

Sau khi Marilyn Monroe qua đời, phóng viên ảnh William Woodfield của tờ New York Herald Tribune đã thực hiện một cuộc phỏng vấn bác sĩ tâm lý Ralph Greenson qua điện thoại. Ông Ralph Greenson đã phải rất khó khăn trong việc trả lời những câu hỏi do phóng viên William Woodfield đưa ra. Cuối cùng, không chịu nổi, vị bác sĩ này đã phải oà lên: “Tôi không thể giải thích hay biện minh điều gì cả. Tôi không thể tiết lộ điều tôi không muốn. Hãy hỏi Robert Kennedy!”.

 

Năm 1985, trong lần trả lời phỏng vấn đài BBC (Anh), khi nhóm làm chương trình thu dọn máy móc chuẩn bị ra về, quản gia Eunice Murray (lúc này đã 83 tuổi) ôm đầu khóc nấc lên: “Tại sao đến tuổi này rồi mà tôi vẫn còn phải che giấu điều đó? Tình hình khó khăn đến nỗi những người bảo vệ ông Robert phải bước vào để bảo vệ ông ấy”.

 

Trước khi chết vào năm 1997, Sydney Guillaroff, chuyên gia làm tóc, người bạn tâm tình của nhiều ngôi sao Hollywood, tiết lộ trong cuốn hồi ký của mình: trước khi chết vài giờ, Marilyn Monroe gọi điện cho tôi, giọng cô ấy như phát điên lên “Robert Kennedy đang ở đây, đe doạ tôi, la hét tôi. Tôi đang có quan hệ với anh ấy. Tôi cũng có quan hệ với JFK (John F. Kennedy)”. Marilyn Monroe còn cho biết Robert Kennedy đến Los Angeles vào chiều 4/8, không những để cắt đứt quan hệ với cô, mà còn cảnh cáo cô về việc gọi điện đến Nhà Trắng. Marilyn Monroe nức nở: “Tôi sợ quá. Tôi đã biết nhiều bí mật đang diễn ra trong Nhà Trắng. Những điều nguy hiểm. Việc Robert Kennedy có mặt ở Los Angeles chiều 4/8 cũng được Daryl Gates, phụ tá cảnh sát trưởng Los Angeles lúc bấy giờ xác nhận.

 

Trên cơ sở nội dung cuốn băng ghi âm cuộc nói chuyện với quản gia Eunice Murray năm 1973, Kabuki, một nhà báo chuyên viết về Marilyn Monroe, có quan hệ rất thân tình với Marilyn Monroe, từng nhận đề nghị chấp bút cho cuốn tự truyện của Marilyn Monroe 1 tháng trước khi cô đào tóc vàng này chết, đã bắt tay thực hiện tác phẩm “Bí mật của Marilyn Monroe”. Đáng tiếc, tháng 5/2000, Kabuki đột ngột ra đi, để lại đứa con tinh thần sắp đến ngày khai nhuỵ. Cho dù vẫn còn dang dở, nhưng “Bí mật của Marilyn Monroe” cũng đủ để người đọc cảm nhận tư tưởng xuyên suốt của tác phẩm: cái chết của Marilyn Monroe là kiệt tác của anh em nhà Kennedy.

 

Theo Kabuki, sở dĩ anh em nhà Kennedy mưu sát Marilyn Monroe là nhằm gạt bỏ hai nỗi lo. Một là John Kennedy sợ Marilyn Monroe tiết lộ những vụ đi đêm của mình với các băng đảng xã hội đen trong lần tranh cử tổng thống năm 1959. Hai là Robert Kennedy sợ tiền đồ chính trị của mình sẽ bị huỷ hoại, một khi có người phát giác việc Marilyn Monroe có thai với mình, buộc phải đi phá bỏ. Do đó, anh em nhà Kennedy quyết định giết người diệt khẩu.

 

Kabuki cho rằng việc lên kế hoạch được giao cho em rể Peter Lawford. Người trực tiếp hành động là bác sĩ tâm lý Ralph Greenson. Người theo dõi nhất cử nhất động của Marilyn Monroe và phải báo cho bác sĩ tâm lý Ralph Greenson là quản gia Eunice Murray. Tối 4/8/1962, bác sĩ tâm lý Ralph Greenson tới thăm Marilyn Monroe tại tư dinh, nói dối rằng có một loại thuốc chữa bệnh mất ngủ rất tốt (thực chất là Barbiturate). Marilyn Monroe rất tin tưởng bác sĩ tâm lý Ralph Greenson (thường xuyên tâm sự những điều sâu kín), nên sau khi uống thuốc an thần đã để ông ta tiêm. Nửa đêm, quản gia Eunice Murray phát hiện Marilyn Monroe đã chết thật, liền báo cho bác sĩ tâm lý Ralph Greenson và câu chuyện sau đó đã diễn ra đúng như kịch bản vạch sẵn.

 

Trong cuốn sách của mình, Kabuki còn chỉ ra rằng trước khi Marilyn Monroe chết không lâu, Peter Lawford đã tới nhà John Kennedy ở Massachusetts, vài ngày sau quản gia Eunice Murray cũng có mặt tại đây và vé máy bay của hai người đều do nhà Kennedy chu cấp.

 

Đúng 20 năm sau cái ngày 5/8 đầy oan nghiệt đó, một số người đã yêu cầu xem xét lại vụ tự tử của Marilyn Monroe. Nhưng vấn đề là hai nghi can số 1 (theo nhóm người này) để đối chất là John Kennedy và Robert Kennedy đều không còn (John Kennedy bị bắn chết ở Dallas ngày 22/11/1962, Robert Kennedy thiệt mạng trong một vụ ám sát tại California ngày 5/6/1968), nên phiên toà đã không được mở. Tới tận bây giờ, vẫn chưa có một phiên toà nào được mở ra để thụ lý vụ việc này. Và như vậy, xét về mặt pháp luật, người ta vẫn phải tôn trọng kết luận của các nhà chức trách về nguyên nhân cái chết của Marilyn Monroe (sử dụng thuốc ngủ quá liều) và những gì nêu trên chỉ mang tính tham khảo bởi phán quyết của tòa án mới là kết luận có giá trị pháp lý.

 


Minh Thành (Tổng hợp)

Dựng lại vụ án Marilyn Monroe - Kỳ 5 Vai diễn tử thần
Dựng lại vụ án Marilyn Monroe - Kỳ 5 Vai diễn tử thần

Marilyn Monroe không ít lần tìm cách tự sát để thu hút sự chú ý của công chúng. Điều này đã được FBI xác nhận trong những bản báo cáo liên quan đến cô đào tóc vàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN