Dựng lại vụ án Marilyn Monroe: Kỳ 1. Từ tình tiết bỏ qua đến kết luận vội vã

Không phải ông hoàng nhạc Pop Elvis Presley hay đại văn hào Ernest Hemingway, mà chính Marilyn Monroe mới là người từng đứng đầu nhóm 10 nhân vật lịch sử vĩ đại nhất nước Mỹ. Cũng không phải Elvis Presley hay Ernest Hemingway, mà chính cái chết của Marilyn Monroe mới tạo ra một cơn chấn động tại nước Mỹ.


Mặc dù chỉ khoảng 48 tiếng sau khi Nữ thần Sắc Dục tắt thở, các nhà chức trách Mỹ đã đưa ra kết luận chính thức rằng Marilyn Monroe chết do sử dụng thuốc ngủ quá liều, nhưng gần 50 năm sau cái ngày 5/8/1962 đầy oan nghiệt đó, người ta vẫn tiếp tục truy tìm nguyên nhân khiến nữ minh tinh màn bạc này đường đột từ giã cõi đời. Tư liệu càng thu thập được nhiều thì nghi ngờ về cái chết của Marilyn Monroe càng cao. Phải chăng cô gái tóc vàng quyến rũ trở thành vật hy sinh cho một âm mưu lớn?

 

Kỳ 1: Từ những tình tiết bị bỏ qua đến một kết luận vội vã

 

4 giờ 25 phút sáng 5/8/1962, sở cảnh sát Los Angeles nhận được một cú điện thoại từ bác sĩ riêng của Marilyn Monroe, ông Hyman Engelberg. Nội dung của nó ngay sau đó đã trở thành tin tức nóng hổi của hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ cũng như trên thế giới: Marilyn Monroe đã chết tại nhà riêng ở Brentwood, Los Angeles bang California. Tổ trọng án lập tức lên đường làm nhiệm vụ.

 

Cảnh tượng phơi bày trước mắt khiến những người có mặt tại hiện trường không khỏi rùng mình: Marilyn Monroe lõa thể nằm trên giường, mặt úp xuống gối, tay phải cầm điện thoại, hai chân duỗi thẳng, xung quanh vương vãi một số lọ thuốc an thần. Dường như đây là một vụ tự tử. Thông báo chính thức của các nhà chức trách đưa ra sau đó hai ngày cũng xác nhận điều này.

 

Tuy nhiên, đối với một viên cảnh sát dày dạn kinh nghiệm như thượng sĩ Jack Clemmons, người có mặt đầu tiên tại hiện trường, thì có quá nhiều điểm bất hợp lý nếu coi đây là một vụ tự tử bằng thuốc ngủ. Bởi, những người uống thuốc ngủ tự tử thường chết trong tư thế co quắp vì những đau đớn gây ra bởi quá trình nôn mửa và co giật. Trong khi đó, chỉ cần quan sát sơ bộ cũng có thể thấy Marilyn Monroe chết trong tư thế hai chân duỗi thẳng và đang gọi điện thoại. Cái chết bất ngờ đến nỗi Marilyn Monroe không kịp gác hay bỏ ống nghe ra.

 

Công tố viên John Miner, người trực tiếp tham gia quá trình giám định pháp y tử thi của Marilyn Monroe tiết lộ: kỳ thực, người ta cũng phát hiện trong dạ dầy Marilyn Monroe có thuốc ngủ, nhưng không nhiều. Điều đáng chú ý là hàm lượng Barbiturate trong máu của Marilyn Monroe quá cao (4,5%, đủ để giết chết 3 người). Barbiturate là thành phần chủ yếu của thuốc rửa ruột. Vào những năm 1960, rất nhiều nữ minh tinh màn bạc của Hollywood đắm chìm trong Barbiturate vì nó có thể mang lại khoái cảm tình dục. Nhưng chất hóa học này khi vào cơ thể được hấp thụ rất nhanh, nếu quá liều lập tức dẫn đến hôn mê. Do đó, về căn bản, Marilyn Monroe không thể tự mình tiếp tục nạp thêm một lượng Barbiturate nhiều đến vậy trong tình trạng bị hôn mê. Rất có thể lượng Barbiturate trong cơ thể Marilyn Monroe đã được đưa vào qua đường tiêm. Nhưng ai là người thực hiện?

 

Bên cạnh đó, khi được hỏi Marilyn Monroe chết lúc mấy giờ, nữ quản gia Eunice Murray của Marilyn Monroe khẳng định khi đó là 12 giờ đêm. Eunice Murray khai rằng: bất ngờ thức dậy vào lúc nửa đêm, bà ta chợt nhìn thấy sợi dây điện thoại thò ra phía dưới cửa phòng của Marilyn Monroe. Đây rõ ràng là một sự bất bình thường bởi khi đi ngủ Marilyn Monroe thường mang điện thoại ra khỏi phòng và chồng một đống gối lên trên. Thấy lạ, Eunice Murray gọi điện cho bác sĩ tâm lý Ralph Greenson. Ralph Greenson đập vỡ cửa sổ vào phòng, thấy Marilyn Monroe nằm bất động liền gọi cho bác sĩ riêng của Marilyn Monroe là Hyman Engelberg. Hyman Engelberg đến nơi kiểm tra đã thấy tim của Marilyn Monroe ngừng đập, nhưng không thông báo cho cảnh sát ngay mà lại gọi điện xin ý kiến của bộ phận tuyên truyền quảng cáo hãng phim Twentieth Century Fox. Vậy khoảng thời gian hơn 4 tiếng đồng hồ kể từ khi quản gia Eunice Murray phát hiện Marilyn Monroe tự tử đến khi bác sĩ Hyman Engelberg được bật đèn xanh báo cảnh sát, điều gì đã diễn ra ở nhà Marilyn Monroe?

 

Những phát hiện tiếp theo càng khiến thượng sỹ Jack Clemmons và công tố viên John Miner nghi ngờ về cái chết của Marilyn Monroe. Đó là việc một loạt thư từ, giấy tờ trong tủ hồ sơ của Marilyn Monroe đột nhiên biến mất. Sau đó, cuốn băng ghi âm nội dung các cuộc đàm thoại 3 tiếng trước khi chết và một phần sổ điện thoại của Marilyn Monroe cũng không cánh mà bay. Ngoài ra, các nhân viên điều tra đã vô tình bỏ qua một số nguyên tắc nghiệp vụ sơ đẳng, vội vàng công nhận những kết luận ban đầu. Họ đã không xác nhận mức độ tin cậy trong lời khai của nhân chứng cũng như xem xét khả năng hiện trường bị làm giả. Nếu thực sự chú tâm, các nhân viên điều tra chắc chắn sẽ không thể bỏ qua chi tiết: vài giờ sau khi Marilyn Monroe chết, có người nhìn thấy nữ quản gia Eunice Murray tiến hành một công cuộc dọn dẹp quy mô lớn, giặt toàn bộ quần áo của Marilyn Monroe và mang vứt rất nhiều rác, đồng thời sẽ tìm cách làm sáng tỏ nguồn tài chính cung cấp cho 3 lần du lịch châu Âu của Eunice Murray vào thời kỳ đầu những năm 1960. Một người hầu liệu có nhiều tiền đến thế?

 

Minh Thành

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN