Trường mầm non nỗ lực giữ bữa ăn an toàn cho trẻ

Dịch COVID-19, cúm A, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết xuất hiện trước thềm năm học mới luôn là mối lo của phụ huynh, nhà trường. Vì thế, khâu đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được các trường mầm non ưu tiên hàng đầu để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Video chia sẻ của cán bộ, giáo viên một số trường mầm non về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm:

Trồng rau xanh cải thiện bữa ăn cho trẻ 

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện số bệnh nhi mắc các bệnh truyền nhiễm gia tăng trong tháng 8/2022. Trẻ em ở nhiều cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn Hà Nội phải nghỉ học bởi các bệnh như: COVID-19, cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng… So với thời điểm trong năm học, có thời điểm nhiều trường chỉ tiếp nhận khoảng 50 - 60% trẻ đến trường.  

Thấy được những vấn đề về dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ của học sinh, bên cạnh thực hiện những khuyến cáo chung của ngành y tế, nhiều trường mầm non trên địa bàn Hà Nội chủ động chăm sóc trẻ thông qua các nguồn thực phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng, chế biến thực phẩm đúng quy trình để tăng sức đề kháng giúp trẻ chống chọi với dịch bệnh.  

Là một trường mầm non công lập nằm giữa khu đô thị sầm uất bậc nhất quận Cầu Giấy (Hà Nội), Trường mầm non Hoa Sen sở hữu một khu vườn trên cao với hơn 2.000 m2 trồng rau, cung cấp cho bữa ăn của học sinh 3 lần/tuần. Có lẽ, đây là trường mầm non duy nhất ở nội thành có thể duy trì đều đặn bữa ăn cho học sinh từ nguồn rau sạch của trường.  

Chú thích ảnh
Vườn rau trên sân thượng của Trường mầm non Hoa Sen (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Lê Phú. 

Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập quận Cầu Giấy. Cô Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen cho biết: “Mỗi tuần 3 lần học sinh được ăn rau từ vườn của nhà trường. Những lúc rau vào vụ, học sinh ăn không hết”.

Vườn rau trên cao có đủ các loại theo mùa như: Rau muống, rau cải, mồng tơi, đu đủ, rau lang, rau ngót, rau bí…  

Xác định an toàn thực phẩm trong nhà trường là một khâu trọng điểm và ưu tiên trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, cô Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết: “Quy trình giám sát thực phẩm đầu vào, nhà trường đều thực hiện theo quy định về an toàn thực phẩm. Chẳng hạn, thực phẩm được nhập từ nơi có nguồn gốc rõ ràng, từ các đơn vị cung cấp có uy tín. Việc tiếp nhận thực phẩm hàng ngày đều có giám sát của các thành viên như: Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, Ban giám hiệu, Ban thanh tra nhân dân và đại diện giáo viên lớp. Thậm chí, chúng tôi cũng mời các phụ huynh có thể tới giám sát vào các giờ ăn trên lớp của các con cũng như giám sát quy trình chế biến trực tiếp trên bếp của trường. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đều được thực hiện nghiêm túc từ khâu giao nhận, sơ chế, chế biến đến việc tổ chức bữa ăn tại lớp cho trẻ”.     

“Đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm và tăng cường vitamin từ rau xanh phần nào giúp phụ huynh yên tâm khi gửi con tới trường. Đây cũng là mục tiêu của nhà trường là làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, song song với giáo dục để phát triển toàn diện cho trẻ”, cô Thu Huyền nói.  

Cân đối thực đơn theo… thời tiết

Ưu tiên số 1 của nhiều trường mầm non hiện nay vẫn là khâu phòng dịch để đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường. Cô Nguyễn Thị Lê Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non chất lượng cao Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Mỗi ngày trẻ đến trường đều được đo thân nhiệt; khăn lau mặt của các em đều được hấp, sấy tiệt trùng; súc miệng nước muối thường xuyên. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường vitamin trong bữa ăn của trẻ. Đây là khâu trọng yếu để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Giúp phụ huynh yên tâm gửi trẻ đến trường".  

Chú thích ảnh
Học sinh Trường mầm non Hoa Sen (Cầu Giấy, Hà Nội) rửa tay trước khi bước vào bữa ăn. Ảnh: Lê Phú. 

Cô giáo Lê Huyền cho biết: “Trường làm việc với các nhà cung cấp thực phẩm với những yêu cầu khắt khe về đảm bảo thực phẩm sạch, tươi, ngon, an toàn, đồng thời yêu cầu đối tác phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng nguyên tắc trong phòng chống dịch bệnh. Trường xây dựng bếp ăn bán trú một chiều, quy trình giao, nhận, chế biến thực phẩm đều được Ban giám hiệu, tổ Công đoàn và đại diện cha mẹ phụ huynh giám sát chặt chẽ hàng ngày. Ngoài ra, giáo viên giáo viên Trường Mầm non chất lượng cao Mai Dịch còn phối kết hợp với phụ huynh để cho trẻ uống nước hoa quả ngoài bữa ăn chính của nhà trường".  

Xác định được việc đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như dinh dưỡng tác động đến sức khỏe của trẻ mầm non, cô Nguyễn Thị Thu An, Hiệu trưởng trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Thực đơn cho trẻ được thực hiện theo mùa, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, chúng tôi càng lưu ý hơn đến vấn đề lựa chọn thực phẩm. Thực đơn hàng ngày là các loại rau củ theo mùa để bữa ăn thêm phong phú, đa dạng cung cấp đủ vitamin, dinh dưỡng cho trẻ”.

Bên cạnh đó, cô Thu An cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho học sinh, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, không chỉ tổ chức tốt công tác ăn bán trú, các giáo viên cũng tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh cho trẻ ăn ở nhà hạn chế những thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều chất béo, nhiều gia vị, nhiều muối, thức ăn lạnh… Bởi những thực phẩm này dễ gây kích thích họng, gây ho, đầy khó tiêu”.  

Nhiều giáo viên cũng chia sẻ, bên cạnh việc nhà trường thực hiện đúng quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo viên cần phối hợp với phụ huynh tránh cho trẻ ăn thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn vỉa hè, đường phố… vừa không tốt cho sức khỏe lại làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. 

Lê Vân-Lê Phú/Báo Tin tức
Gắn trách nhiệm doanh nghiệp để đảm bảo an toàn thực phẩm
Gắn trách nhiệm doanh nghiệp để đảm bảo an toàn thực phẩm

Thời gian tới các doanh nghiệp cần tiếp tục xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ đầu vào. Cùng đó, liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN