Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, sau hơn 1 tháng Hà Nội thí điểm sử dụng giải phân cách cứng không liên tục trên đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Khuất Duy Tiến), tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện, nhưng không đáng kể. Hiện cung đường thí điểm này được lắp đặt 4 đoạn dải phân cách cứng dài gần 750m với mũi tên phản quang, trụ chống va xô kết hợp hàng rào cơ động có thể thu vào, kéo ra. Hai làn phía bên phải sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt lưu thông; tách biệt hẳn với 3 - 4 làn đường bên trái dành cho xe ô tô.
Video phóng viên ghi nhận hiện trạng đường Nguyễn Trãi sau hơn 1 tháng thí điểm lắp dải phân cách cứng không liên tục:
Sau hơn 1 tháng thí điểm, tại các điểm đầu cuối dải phân cách có biển báo phân làn bắt buộc nhưng hầu như không ai để ý. Xe buýt, xe máy, ô tô ra-vào giữa các làn đường không theo biển báo, chưa kể nhiều ô tô dừng đỗ bất chấp biển cấm vẫn phổ biến.
Anh Nguyễn Duy Phương, trú tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân cho biết: Rất khó nhận thấy hiệu quả từ rào chắn, chưa phát huy được tính cưỡng chế phân làn. Có thể là do thói quen của người dân trong nhiều năm qua, hoặc chế tài chưa xử lý triệt để.
Bà Lê Ánh Hoa (68 tuổi, bán nước tại phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) khẳng định: Đường Nguyễn Trãi cũ khi chưa xây tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã được phân làn trong cùng bên phải dành cho xe buýt. Ngày đó hiếm khi tắc đường, cũng có thể là do dân số của Thủ đô ngày đó chưa tăng nhanh như bây giờ.
Xác nhận với báo Tin tức, đại diện Đội CSGT số 7 (Công an TP Hà Nội) cho hay, việc phối hợp với Sở Giao thông vận tải (GTVT) và Thanh tra sở được làm rất tốt, các chiến sĩ thường xuyên túc trực và hướng dẫn người dân. Nhưng khi lực lượng chức năng rời đi, hoặc trong thời gian thay ca trực, tình trạng lộn xộn lại tái diễn, rất khó duy trì khi ý thức người dân chưa cao.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho rằng, những người đi xe máy đã giữ thói quen "tự do" từ nhiều năm nay, kể cả một số người đi ô tô hiện nay cũng có thói quen đi kiểu của xe máy... Rõ ràng là phải mất nhiều công sức, nhiều thời gian, kể cả tiền của nữa để thay đổi thói quen và nhận thức. Nhưng dù tốn kém vẫn phải kiên trì.
Nhìn lại thời gian thí điểm vừa qua, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhận định, tình hình giao thông đã có cải thiện, đặc biệt vào giờ cao điểm sáng. Cả hai chiều từ Khuất Duy Tiến đi Ngã Tư Sở và ngược lại đều giảm ùn ứ, phương tiện lưu thông trật tự hơn. Một bộ phận người tham gia giao thông đã có ý thức đi đúng phần đường, xe buýt đi lại thuận tiện, góp phần đảm bảo ATGT.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận còn một số tồn tại, nhất là vào các khung giờ cao điểm buổi chiều hay xuất hiện các phương tiện lưu thông lộn xộn. Đặc biệt, chỉ 10 ngày đầu thí điểm (6-16/8) đã xảy ra 54 sự cố va quệt vào biển báo, lốp phản quang, trụ đảo mũi tên; vẫn còn tình trạng xe máy đi vào làn của ô tô và ngược lại (đặc biệt theo chiều đường từ Ngã Tư Sở về Khuất Duy Tiến). Vào khung giờ cao điểm, các khu vực Ngã Tư Sở, Vũ Trọng Phụng, khu vực lối lên cầu vượt Ngã Tư Sở, điểm quay đầu trên tuyến vẫn bị ùn ứ.
Theo Sở GTVT Hà Nội, để đánh giá chính xác hiệu quả của phương án thí điểm trong thời gian học sinh, sinh viên đi học trở lại và thời điểm lưu lượng phương tiện gia tăng vào cuối năm, Sở đề xuất thành phố tiếp tục cho thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi đến hết năm 2022.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định, đây mới chỉ là thí điểm, Sở GTVT sẽ lấy ý kiến của người dân để nghiên cứu, khắc phục những phát sinh mới trên tuyến đường Nguyễn Trãi sau khi lắp đặt dải phân cách cứng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông, đồng thời, áp dụng với những tuyến đường khác nếu hiệu quả.
Đề xuất phân làn cứng không phải lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội. Trrước đây, thành phố từng 4 lần tổ chức phân làn ô tô, xe máy: năm 2003 trên tuyến Kim Mã, năm 2006 trên tuyến Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt, năm 2009 trên tuyến Giải Phóng, năm 2011 trên một loạt tuyến phố (Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt, Xã Ðàn, Giải Phóng, Phố Huế, Bà Triệu, Nguyễn Trãi,…). Kết quả sau đó đều thất bại, tiêu tốn hàng tỷ đồng.
Tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Khuất Duy Tiến - nút giao hầm chui Thanh Xuân) dài 2,1 km, rộng 19-23 m, có 5 làn xe mỗi chiều (một số đoạn rộng có 6 làn xe). Đây là tuyến đường huyết mạch phía Tây Nam Thủ đô, kết nối với Quốc lộ 6 đi Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Theo phương án công bố của Sở GTVT Hà Nội, sẽ thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi trong một tháng, từ ngày 6/8 đến 6/9/2022. Sau đó, Sở GTVT sẽ tổng kết rút kinh nghiệm và có phương án tiếp theo. Hai làn sát vỉa hè đường Nguyễn Trãi sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ và xe buýt; 3-4 làn sát dải phân cách giữa dành cho ôtô. Việc điều chỉnh phân làn và phương tiện được thực hiện bằng giải phân cách cứng không liên tục như mũi tên phản quang, trụ chống va xô (bằng lốp), hàng rào di động... kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ. Tuy nhiên sau hơn 1 tháng triển khai, với nhiều ý kiến trái chiều và đặc biệt kết quả chưa như mong đợi, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục đề nghị kéo dài đến cuối năm 2022.