Xem chọi trâu như người Đồ Sơn

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được khôi phục đã tròn 25 năm. Nếu đến với Lễ hội chỉ với tư cách một du khách, một người xem, ắt hẳn ta sẽ có những tâm thế riêng. Nhưng hãy thử một lần đến xem những trận trâu quần như người Đồ Sơn để hiểu rằng vì sao chọi trâu trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

1. “Dù ai buôn đâu, bán đâu. Mồng 9 tháng Tám chọi trâu thì về”. Câu ca dao cũ mà thật đến tận bây giờ. Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm nay trùng đúng kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 nên có hàng vạn người đổ về vùng đất du lịch biển. Khách du lịch cũng nhiều nhưng những người con của làng quê, nghe lời nhắn gửi của người xưa mà trở về quê hương cũng đông không kém. Thế nên vui nhất là những người già. Họ được gặp lại con cái, được tụ họp với nhau trong không khí lễ hội, được sống lại những trận trâu quần xưa qua những câu chuyện chòm xóm.

 

Một pha đánh cáng hầu hiểm hóc tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2014.


Lễ hội chọi trâu hay lễ hội chèo ghe truyền thống ở Đồ Sơn luôn là cuộc đua tranh giữa 7 phường là Vạn Sơn, Ngọc Hải, Ngọc Xuyên, Vạn Hương, Minh Đức, Hợp Đức, Bàng La. Bởi thế, không chỉ là việc trong các gia đình có trâu chọi mà phần lễ trở thành việc trọng của cả phường. Ngay từ sáng sớm và rải rác cho đến hết ngày 7 tháng Tám âm lịch, từng khu xóm đã cử một đoàn các vị có uy tín chuẩn bị lễ vật đến cúng lễ đình của phường. Bởi thế nên phải đến Đồ Sơn vào những ngày trước khi diễn ra lễ chọi trâu mới thấy được hết không khí chuẩn bị của người dân tại địa phương. Người gọi nhau xôn xao, váy áo xếnh xang mà đội lễ ra đình.


Việc lễ được tiến hành song song với việc đưa trâu của phường tới làm lễ thần. Trâu chọi trước khi ra sới đấu sẽ được làm lễ thần. Trâu được rước ra đình với kiệu bát cống, long đình bát biểu, cờ thần bay phấp phới, rộn rã trong tiếng nhạc bát âm. Sau khi làm lễ thần, trâu chọi mới chính thức được gọi là "Ông trâu" và đại diện cho cả phường để bước vào những trận đấu mà chiến thắng được xem là sẽ mang lại may mắn cho cả phường trong suốt năm.

 

2. Lễ hội chọi trâu thể hiện sự dũng cảm của con người chống chọi với biển khơi. Những ông trâu được có những nét oai hùng riêng. Người chọn trâu cũng phải lùng cho được những con trâu có đặc điểm là mạnh, dũng và lỳ đòn như 2 khoang, 4 khoáy, đuôi chai, móng sò, lông da đen, mắt đỏ.


Bởi thế nên ở nhiều trận đấu, khi vừa đưa trâu vào sân, nhiều trâu đối thủ vừa nhác thấy cái dáng bước của trâu hùng đã vội bỏ chạy nhưng có trận cả hai nghênh nhau ở thế thủ đến hàng chục phút khiến trận đấu bị kéo dài thậm chí tới ngoài 30 phút vẫn được người dân ngóng xem. Nhiều người mới xem chọi trâu lần đầu tưởng những trận đấu như thế là đáng chán, nhưng người hiểu thì xem đó là cách trâu ganh đua cả cái dáng, cái uy. Trận đấu tứ kết của lễ hội năm nay giữa cặp đôi số 06 và 13 được xem là một trong những trận đấu hay nhất của giải. Trâu 13 với đòn hổ lao sở trường lao đến nhằm chiếm thế thượng phong. Không né được đòn hiểm, trâu 06 căng đầu nghênh chiến.

 

Lao vào mạnh và bật ra cũng mạnh chẳng kém, trâu 13 ngỡ ngàng trước sức chịu đựng của đối thủ và… quay đầu bỏ chạy. Trâu 06 giành chiến thắng vẻ vang với pha đỡ đòn hổ lao vốn là đòn quyết tử trong chọi trâu được chủ trâu dẫn ra cửa. Nhưng những bước đi dần loạng choạng và tới gần cửa ra, Ông trâu từ từ gục 2 chân trước. Hiểu tình thế, chủ trâu lặng lẽ vỗ lưng trâu như để tạm biệt, cả khán đài lặng đi trước sự ra đi vừa tình cảm, vừa uy dũng của Ông trâu 06 trước những bước chạy trốn vẫn hết sức hoảng loạn của trâu 13. Người ta bảo, cái uy của từng Ông trâu là như thế, kẻ thắng dù có gục tại trận vẫn khiến đối thủ phải khiếp sợ, người thua dù đối thủ có gục xuống vẫn không vì thế mà lợi dụng cơ hội quay đầu trục lợi. Ấy là cái hùng của chọi trâu vậy.

 

3. Những đòn đánh hiểm hóc làm nên nét đặc sắc của từng trận đấu. Một số đòn đánh hiểm của trâu chọi phải kể đến: đòn hổ lao, cáng hầu, dập, móc mắt, húc bay… Nhưng đôi khi, những trâu khỏe và lỳ đòn lại là trâu chiến thắng. Thậm chí nhiều khi bị đối thủ đánh gãy sừng, mất mắt, rách hầu, vật ngã tới 3- 4 lần nhưng vẫn không bỏ chạy. Thế nên trận đấu nào cũng là trận đấu đầy bất ngờ. Sự quyết liệt trong từng đòn đánh chính là điểm hấp dẫn người xem ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.


Cái khác cũng nằm ở từng kháp đấu. Nếu còn đang ở vòng đấu loại, người dẫn trâu ít khi để trâu dùng đòn hổ lao. Bởi lẽ đây là đòn đánh hạ gục nhanh đối thủ nhưng cũng dễ làm “hỏng” trâu, nếu thắng vào vòng sau trâu rất dễ “chạy gió”. Nhưng khi đã vào sâu trong vòng chung kết, khán giả sẽ thường được chứng kiến những đòn đánh hổ lao dũng mãnh này như dốc hết sức lực để cống hiến cho khán giả những pha đánh hấp dẫn. Đó cũng là điều níu chân du khách tới những kháp đấu cuối cùng.

 

4. Mỗi Ông trâu là đại diện cho cả phường nên chăm trâu cũng lắm công phu. Người nuôi trâu phải cất công đi chọn trâu ở nhiều vùng có trâu to, khỏe trong cả nước như Nghệ An, Tuyên Quang, Hà Giang hay thậm chí vào tận Đồng Tháp, Bạc Liêu, Đắk Lắk. Thậm chí ở các giải đấu trước, đã có trâu ngoại mua về từ Lào, Myanma. Sau rồi trâu “ngoại” cũng chẳng lại được với trâu “nội” nên cái việc cầu kỳ chọn ở nước ngoài như thế cũng bớt đi.


Nhưng cả cái cách người dân Đồ Sơn lựa chọn người chăm trâu, dắt trâu cũng có những nét rất riêng. Chăm trâu thì rõ rồi. Phải hiểu tính nết, giai đoạn phát triển của trâu để mà có cách chăm sóc, nuôi dưỡng, vần trâu để trâu đến thời điểm chọi có được sức mạnh nhất. Trâu mỗi ngày phải được cho ăn no để tăng sức, tăng cân. Mỗi ông chủ trâu lại khoanh một vùng cỏ riêng tươi, non dành cho trâu nhà mình. Trâu được luyện chạy dưới biển, được cho uống nước mía hoặc thậm chí được tắm bia để tăng độ săn chắc của da.


Người dẫn trâu vào sới phải rất có kinh nghiệm và cũng có uy. Người dắt trâu sẽ phải biết rõ trâu đối thủ mạnh điểm gì nhất để chọn thời điểm tháo dây, nhằm hạn chế sức mạnh của đối phương, đồng thời phát huy hết điểm mạnh trâu của mình. Người dắt trâu đồng thời còn làm nhiệm vụ thu trâu sau mỗi trận đấu. Đây là nhiệm vụ khá nguy hiểm vì con trâu thắng đang hăng máu sẽ chạy lao rất nhanh và mạnh. Vì thế trâu phải được thu thật nhanh để tránh cho trâu mất sức ở trận đấu sau. Đuổi theo trâu, nắm sừng trâu, luồn dây thừng vào mũi trâu trong thời điểm này phải là người hết sức dũng cảm, khỏe mạnh và vô cùng khéo léo. Vì thế nên các chủ trâu đã phải đặt hàng người dắt ngay trước cả khi mua trâu về.

 

5. Khán giả đến chật sân nhưng ai là người hào hứng với cả những trận đấu kéo dài thì đó chính là người dân Đồ Sơn. Từng phường xóm đều trông chờ niềm tự hào của phường mình. Từng con trâu chọi được nhắc đến trong câu chuyện kể ở khắp nơi. Ngày thường trong năm, mỗi khi đi đâu xa về thăm xóm, thấy có con trâu đen cột ở gốc cây đang thong dong ăn cỏ, những người Đồ Sơn đều thấy yêu quý, dành nhiều lời ngợi khen, bình phẩm.


Thịt trâu chọi được đem bán, người mua với ý nghĩa lấy lộc cho cả năm. Những con trâu chọi dù thắng, dù thua đều được đem xẻ thịt. Bởi thế, với người dân nơi đây, hưởng cho trọn vẹn lễ hội là phải được xem, được nói và được thưởng thức những món ăn làm từ thịt trâu. Cứ bưng lên một đĩa thịt trâu xào khế, xào rau muống như thế mới là đến lúc để chào hội mà về với ngày thường nhật.

 

Bài và ảnh: Lê Sơn

Trận đánh hấp dẫn nhất hội chọi trâu Đồ Sơn 2014
Trận đánh hấp dẫn nhất hội chọi trâu Đồ Sơn 2014

Vòng chung kết Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm nay xuất hiện rất nhiều những pha đánh hay, đòn đánh lạ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN