Xe đạp cổ, hoài niệm Hà Nội xưa

Chơi đồ cổ, một giá trị văn hóa

 

Bài 2: Xe đạp cổ, hoài niệm Hà Nội xưa


Không ồn ào, không phô trương, cứ sáng sáng, một đoàn xe đạp cổ nối đuôi nhau dạo quanh hồ Tây. Họ là những thành viên của Câu lạc bộ (CLB) xe đạp Xưa và Nay, tìm đến xe đạp cổ như một thú chơi đầy hoài niệm…

 

Sống dậy quá khứ


Cứ vào mỗi sáng sớm là các thành viên “CLB xe đạp Hà Nội Xưa & Nay” lại hẹn gặp nhau tại đường Thanh Niên (Hà Nội). Khoảng 20 chiếc xe đạp cổ, mỗi chiếc một kiểu, một thời, nối đuôi nhau đạp quanh hồ Tây, thỉnh thoảng lại có tiếng chuông reng reng của xe đạp xen giữa tiếng còi inh ỏi của ô tô, xe máy. Thành lập đã được 5 năm, đến nay CLB đã có 70 thành viên, trong đó có 6 nữ, độ tuổi từ 20 cho đến 80 tuổi. Với các thành viên CLB, việc đạp 17 km quanh hồ Tây không chỉ là bài thể dục mỗi sáng, mà đây còn là cơ hội để mọi người gặp gỡ, tâm sự và sẻ chia niềm đam mê đối với xe đạp cổ.

 

Những chiếc xe đạp cổ của những nhãn hiệu nổi tiếng có độ bền hàng trăm năm. Ảnh: Thu Trang

 

Sau một vòng hồ, mọi người quây quần bên chén trà nóng, cùng nhau bàn luận về xe đạp cổ. Họ kể cho nhau nghe việc đi tìm từng chiếc ốc vít đúng đời xe, cho đến kinh nghiệm giữ gìn xe ra sao. Ông Nguyễn Viết Bảo - Chủ tịch CLB Xe đạp Xưa và Nay, cho biết: “Mỗi người một ngành, nghề, một hoàn cảnh, nhưng cùng chung một đam mê với xe đạp cổ. Chúng tôi đều là những người “cổ”, chơi xe đạp cổ để gợi nhớ đến những năm tháng gian khó khi xưa, cũng có người chơi cho thỏa chí vì hồi trẻ ước mong mãi mà không mua nổi chiếc xe đạp nhãn hiệu Peugeot hay Mercie…”.


Đoạn rồi ông Bảo cao hứng đọc mấy câu thơ về tiêu chuẩn “kén chồng” của các cô gái Hà Nội xưa: “Một yêu anh có Sen-kô (đồng hồ đeo tay hiệu Seiko). Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng (xe đạp Peugeot màu cá vàng). Ba yêu anh có téc gang (quần vải téc). Bốn yêu hộ tịch rõ ràng Thủ đô”. Cách đây khoảng dăm chục năm, vào thời bao cấp, chỉ những gia đình nào rất giàu có thì mới có một chiếc Peugeot dựng trong nhà. Thậm chí, những thanh niên mới lớn coi đây là một thứ đồ “hàng hiệu”. Ngay cả việc được ngồi sau chiếc xe cũng là một niềm hãnh diện lớn.

 

Ông Nguyễn Anh Minh bên chiếc xe đạp xấp xỉ tuổi mình. Ảnh: Thu Trang

 

Trong số những người chơi xe tại CLB, ai cũng biết đến ông Nguyễn Quang Tùng, người sở hữu số lượng xe nhiều nhất tại CLB. Hiện trong nhà ông Tùng có trên dưới 40 chiếc xe đạp cổ đủ hãng, đủ đời. Trong đó, có những chiếc xe từ năm 1968 hay đời mới nhất cũng là những năm 1980, có chiếc giá lên đến vài nghìn USD. Ông Tùng cho biết: “20 năm rồi tôi sưu tầm xe đạp cổ, đều là những cái ngày xưa thích, nhưng không có tiền để mua. Ngày trước, những chiếc xe hãng Peugeot, Aviac hay Mercie… có giá bằng cả cây vàng, chỉ dám nhìn không thể mua. Giờ điều kiện tốt hơn, tôi tìm mua lại những chiếc xe này như tìm lại kỷ niệm xưa. Thú này cũng phải ham lắm, nhiều khi phải đi lùng khắp nước mới mua được xe đẹp hoặc phụ tùng đẹp cho xe”.

 

Yêu xe như con


“Quý xe như vợ, yêu xe như con” là khẩu hiệu của các thành viên CLB. Mọi người vẫn truyền tai nhau giai thoại về thành viên yêu xe nhất CLB. Đó là ông Nguyễn Lê Cường (57 tuổi), một trong những người chơi xe đầu tiên của CLB. Trong nhà ông Cường luôn có hàng cân khăn lạnh để trước khi ra đường, ông cẩn thận lau xe sạch sẽ, khi về nhà lại lau thêm một lượt từ săm, lốp xe cho đến ghi đông. Xe đạp của ông sạch bóng đến nỗi gác đờ bu có thể soi gương được. Mọi người vẫn hay trêu đùa, có khi ông còn yêu xe hơn vợ, bởi cứ đến tối, là ông lại cho chiếc xe đạp lên gụ “ngủ”, còn mình thì trải chiếu ngủ dưới đất.


Thú chơi xe đạp khác với các thú chơi khác, vì xe đạp mỏng manh hơn và nếu không được giữ gìn như các phương tiện khác thì sẽ chóng hỏng. Việc tìm được một chiếc xe còn tốt mà mới là rất khó. Ông Tùng chia sẻ: “Có những khi mua được chiếc xe đẹp, nước sơn còn mới nhưng lại bị hỏng bộ phận nào đó, ví dụ như vành gỉ, ghi đông hỏng… thì lại phải đi tìm đồ đúng đời xe để thay vào. Nhiều khi phải mua một chiếc xe khác cả chục triệu chỉ để… lấy cái vành lắp vào chiếc xe kia. Xe mua về cũng phải sửa chữa nhiều rồi mới đi được. Có những hôm mua được xe ưng ý, tôi mải mê sửa chữa từ sáng hôm nay đến 3 giờ sáng hôm sau, quên ăn, quên ngủ, vì nếu bỏ dở thì bứt rứt không yên, chẳng làm được việc gì khác”.


Chiếc xe được xếp vào dạng cổ nhất nhì CLB là chiếc Peugeot đã gần 70 năm “tuổi đời” của ông Cao Anh Minh. Ông Minh kể, ông mua chiếc xe này cách đây 5 năm với giá 19 triệu đồng, giờ có nhiều người trả đến 40 - 50 triệu đồng, nhưng ông cũng không bán vì “trót yêu nó rồi, yêu từ cái ốc trở đi”. Chính vì tình yêu lớn lao ấy mà tuổi đã cao, chân khớp đau mỏi, nhưng ông vẫn đạp xe 17 km sang tận Hà Đông để mua đôi pê-đan thay cho đôi pê-đan của xe bị hỏng.


Không chỉ có người già muốn sống lại cái thời ngồi lên chiếc Peugeot, mà cả những người trẻ cũng mê mẩn với những chiếc xe đạp gấp đôi, gấp ba tuổi đời của mình. Bởi lẽ, chơi xe đạp cổ cũng là một cách để giúp con người ta sống chậm lại.


Quỳnh Như - Thu Trang

 

Bài 3: Đam mê cổ vật

Chơi đồ cổ, một giá trị văn hóa
Chơi đồ cổ, một giá trị văn hóa

Chơi đồ cổ là một thú vui, một nét văn hóa đặc biệt đã xuất hiện cách đây hàng trăm năm, và bắt đầu nở rộ ở khoảng thời gian đất nước sau giải phóng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN