Chơi đồ cổ là một thú vui, một nét văn hóa đặc biệt đã xuất hiện cách đây hàng trăm năm, và bắt đầu nở rộ ở khoảng thời gian đất nước sau giải phóng. Chơi đồ cổ không chỉ là đam mê, là thú vui mà còn góp sức gìn giữ giá trị văn hóa, để nó không bị mai một hay chìm vào quên lãng.
Bài 1: Gặp “Vua quạt cổ” Hà Thành
Với gần 500 chiếc quạt điện cổ đủ loại, ông Trần Công Phúc thực sự là người “giàu có” nhất trong giới chơi quạt cổ của Việt Nam hiện nay.
Ông Phúc đang “trả lại tên” cho những chiếc quạt cổ. |
Trong ngôi nhà nhỏ chỉ chừng 20 m2 cuối phố Tạ Hiện (Hà Nội) có một ông lão với cặp kính dày cộp, ngày đêm ngồi tỉ mẩn, mê mải với những chiếc quạt điện cổ lỗ sĩ. Lúc nào cũng thấy ông Phúc luôn chân, luôn tay, khi thì đục, khi thì mài một chiếc ốc, chiếc vít. Đang say sưa, bỗng ông dừng lại, lấy tay dò tìm dưới nền đất, vừa tự lẩm bẩm: “Cái ốc văng đâu mất rồi, thiếu nó thì không thể ‘trả lại tên cho em’ được”. Đó là cách gọi hóm hỉnh của ông với từng chiếc quạt trong kho tàng của mình. Tuổi đã ngoài 70, mắt kém nên phải mất gần chục phút ông mới tìm ra được con ốc. Ông hỉ hả cười: “Tôi làm việc tức là tôi tồn tại, tôi tồn tại nghĩa là tôi làm việc”, rồi lại tiếp tục công việc một cách hứng khởi.
Ông Phúc kể, năm 1992, ông nghỉ hưu sau 36 năm gắn bó với ngành cơ khí. Và đó cũng là lúc ông “bén duyên” quạt cổ. “Hồi đó, tôi được một người hàng xóm bán rẻ cho chiếc quạt nhãn hiệu Marelli của khách sạn Metropole Hà Nội, đã bị hỏng. Tôi mang về chữa lại, quạt chạy ngon ơ. Một thời gian sau, một vị khách du lịch người Anh tình cờ nhìn thấy chiếc quạt trong nhà tôi, đã đòi mua bằng được và trả gấp 20 lần giá gốc”, ông Phúc tâm sự.
Chiếc quạt hãng Marelli có giá gần 60 triệu đồng. |
“Thương vụ” đầu tiên ấy khiến ông Phúc hiểu ra giá trị của những chiếc quạt cổ. Kể từ đó, ông đi khắp nơi để tìm kiếm, thu mua những chiếc quạt lâu đời, rồi đem về sửa chữa, phục chế. Nhiều người cười chê ông mang “cục sắt” thải loại về nhà, nhưng rồi mới ngã ngửa khi qua bàn tay khéo léo của ông, những chiếc quạt ấy trở nên có giá vô cùng. “Dạo trước, nghe tin trong thành phố Cần Thơ có người có chiếc quạt chạy bằng máy hơi nước, dạng quạt cổ nhất từ khi con người mới phát minh ra điện, tôi vào trong đó, dò hỏi khắp nơi cuối cùng cũng tìm mua được chiếc quạt độc nhất vô nhị này. Nhiều người hỏi mua lại nhưng tôi không bán, chỉ giữ làm kỷ niệm”, ông Phúc cho biết.
Kho “đồng nát” vô giá
Nhà quá nhỏ mà lại có quá nhiều quạt, nên ông Phúc phải làm một thanh thép dài chạy ngang nhà để treo trục quạt, người bình thường đi vào hơi phải cúi người còn khách Tây thì phải lom khom mới đi được qua cửa. Trong “kho báu” của ông Phúc, nhiều nhất là quạt Marelli (Pháp), quạt Emi (Hà Lan), Calor (Pháp), quạt tai voi của Nga... Ông có thể kể vanh vách niên đại, tính năng vượt trội, cũng như giá của từng chiếc. Như chiếc quạt cổ Phillips (Hà Lan), là một trong những sản phẩm của nền công nghiệp thế giới từ những năm đầu thế kỷ 20. Thân chiếc quạt được làm bằng gang, phần cánh làm bằng gỗ phíp màu vàng óng vừa nhẹ vừa bền, không bao giờ cong vênh. Bao bọc bên ngoài là rọ sắt mảnh, kết hình hoa trông rất đẹp mắt và chắc chắn. “Chiếc quạt này hoàn toàn làm bằng đồng và gang. Khi sửa nó, tôi phải tỉ mẩn lắm, phải chính xác từng tí, chỉ cần sai một li là quạt chạy không êm. Ngoài ra phải rất nhẹ nhàng nếu không xước sơn hay động chạm sẽ làm mất vẻ đẹp. Quạt này bền đẹp hàng trăm năm đấy”, ông Phúc hào hứng.
Năm 2012, ông Trần Công Phúc đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Người có bộ sưu tập quạt cổ nhiều nhất” với hơn 500 chiếc quạt cổ đủ nhãn hiệu nổi tiếng từ nhiều nước. Trong số gia sản của ông, có những chiếc quạt thuộc hàng độc như chiếc Marelli chạy bằng than đã có tuổi thọ hơn 100 năm; chiếc quạt nhãn hiệu Xanghai có từ thời Từ Hy Thái Hậu, tuổi xấp xỉ trăm năm, khi con người mới biết dùng quạt điện… |
Dẫn tôi lên gác 2, chỉ đống “sắt vụn” nào cánh quạt, nào lồng quạt, thân quạt... bày la liệt, ông giới thiệu: “Nhà chật, không có chỗ để nên tôi phải tháo riêng từng bộ phận ra cho nó gọn”. Khi tôi hỏi, với hơn 500 chiếc quạt, làm sao ông có thể nhớ được để lắp đúng các bộ phận vào chiếc quạt, ông cười tự tin: “Tôi hiểu rõ chúng như thân thể mình vậy”. Nghe vậy đủ biết đống “sắt vụn” này có ý nghĩa với ông như thế nào.
Khách đến mua quạt của ông chủ yếu là người nước ngoài, khách du lịch có, nghệ sĩ, doanh nhân, thậm chí là tham tán sứ quán… Lần giở đống cácvidít khách hàng để lại, ông Phúc tự hào: “Có những khi được gặp thần tượng ngay chính trong nhà mình như đạo diễn nghệ thuật phim Người Mỹ thầm lặng Micheal Di Gregrio hay giám đốc Appollo Việt Nam, tổng giám đốc hãng Mercedes Benz Việt Nam… Cái nghiệp này giúp tôi gặp được nhiều người hiểu biết, yêu văn hóa cổ, đó là niềm vui lớn nhất”.