Ngổn ngang trăm mối
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện có 14 câu lạc bộ (CLB) và nhóm ca trù đang hoạt động trên địa bàn Thủ đô, có 220 người có thể trình diễn và 50 người có đủ khả năng truyền dạy. Hà Nội cũng là nơi có nhiều CLB ca trù nổi tiếng như CLB ca trù Thái Hà, giáo phường ca trù Thăng Long, CLB ca trù Lỗ Khê, CLB ca trù Đông Trữ, Ngãi Cầu, Chanh Thôn… Các CLB Ca trù vừa lưu giữ hơn 30 thể cách, điệu múa cổ, vừa sáng tác thêm hàng chục làn điệu mới, nhằm đáp ứng nhu cầu của người nghe.
Với con số này, Hà Nội hiện đang đã trở thành một trong những địa phương sở hữu nhiều CLB ca trù cũng như nhiều nghệ nhân nhất trong số 15 tỉnh, thành có ca trù hiện nay. Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Liên hoan ca trù mở rộng (Liên hoan ca trù lần 2); tổ chức hội thảo, tọa đàm về giải pháp bảo tồn ca trù trên địa bàn Hà Nội; bước đầu có hỗ trợ trang thiết bị âm thanh cho các CLB hoạt động. Tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2014, Sở đã tổ chức cho các CLB tham gia, đoàn Hà Nội là đơn vị có số lượng CLB hoạt động đông nhất và là đơn vị đạt nhiều giải nhất trong liên hoan. Bên cạnh đó, hầu hết các CLB ca trù ở Hà Nội đều mở lớp truyền dạy ca trù cho những ai có nhu cầu theo học, một số CLB còn tổ chức biểu diễn định kỳ để phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Song, đến nay, ca trù vẫn nằm trong diện di sản cần được bảo vệ khẩn cấp, bởi sự phát triển này chủ yếu dựa vào các nghệ nhân.
Bà Nguyễn Thị Ngoan (Chủ nhiệm CLB Ca trù Chanh Thôn) cho biết, khoảng thời gian trước và sau khi ca trù được UNESCO công nhận là di sản, CLB ca trù Chanh Thôn rộn ràng lắm, nhưng rồi càng ngày, phong trào càng tẻ dần đi. Lý do là vì người dân thấy ca trù không được Nhà nước cũng như chính quyền địa phương quan tâm, người dạy, người học đều không có chế độ đãi ngộ gì, các lớp ca nương, trống chầu, kép đàn đào tạo ra không được sử dụng vào việc gì, phục vụ ai, lúc nào ở đâu… nên ngày càng có ít người tham gia sinh hoạt.
Nghệ nhân ca trù Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Thăng Long kể, nhiều năm qua, Giáo phường đã tự bỏ tiền túi dạy miễn phí cho các lớp trẻ, đã có nhiều em thành nghề. Tuy nhiên, kinh phí cũng có hạn, và cũng đã đến lúc cạn kiệt, nếu nhà nước không vào cuộc, hỗ trợ để đào tạo những lớp nghệ nhân kế cận, thì dù tâm huyết đến mấy, chúng tôi cũng khó lòng tiếp tục truyền dạy. Thêm vào đó, các nghệ nhân ca trù vẫn chưa thể sống được bằng nghề, nên dù mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của để đào tạo được một người biết hát ca trù, nhưng sau khi học xong, đa phần các em chuyển sang làm nghề khác để kiếm sống.
Cải biên để “nuôi” khán giả Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo tồn và phát huy giá trị ca trù, nhà nước cần có một chiến lược bảo tồn loại hình nghệ thuật này với những định hướng và mục tiêu cụ thể, có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng với các nghệ nhân, những người có công gìn giữ, bảo tồn ca trù. Bên cạnh việc kiểm kê và tổ chức Liên hoan ca trù, cần quan tâm đến việc xây dựng không gian để các nghệ nhân trình diễn, giới thiệu nghệ thuật này đến công chúng, đào tạo các nghệ nhân kế cận…
Tiết mục hát "chữ Nhàn" do Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ (phải) và ca nương Ngọc Chiêm thuộc Câu lạc bộ Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương trình diễn. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN |
Song song với việc quan tâm ưu đãi nghệ nhân, bảo tồn các giá trị di sản, thì việc tìm kiếm và "nuôi" khán giả cũng là điều cần thiết. Hiện huyện Đông Anh đã làm khá tốt điều này, khi đưa ca trù vào các tiết học của học sinh tại xã Liên Hà - nơi có ca trù Lỗ Khê, cùng một số xã lân cận.
Có những ý kiến cho rằng, một trong những cách để “nuôi” khán giả, là phát triển nhiều bài hát có nội dung ca từ mới, gần gũi hiện nay để khán giả dễ nghe, dễ tiếp thu.
Nghệ nhân Ngô Văn Đảm, CLB UNESCO ca trù Hà Nội chia sẻ: Hầu hết các bài ca trù lời cổ, ca từ mang tính hàn lâm, khó nghe. Ví dụ, bài “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị lời ca rất hay, nhưng không phải ai cũng hiểu được. Thêm vào đó, nếu cứ hát mãi mấy bài ca trù cổ, dù nội dung hay đến mấy, khán giả cũng sẽ chán. Để phát triển hơn nữa ca trù trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần đưa những bài hát có nội dung đơn giản, lời ca hiện đại, gần gũi cuộc sống vào biểu diễn để khán giả dễ nghe, dễ hiểu. “Trong quá trình đi biểu diễn ở nhiều địa phương, tôi nhận thấy, khi chúng tôi biểu diễn những bài ca trù lời mới, có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước… có nhiều khán giả thích nghe. Tuy lời mới, nhưng cũng đầy đủ nghệ thuật, thể cách, ngân nảy vẫn thế, nên nội dung vẫn “phong hoa tuyết nguyệt” lắm, ông Đảm khẳng định.
Nghệ nhân Nguyễn Thúy Hòa, CLB ca trù Thái Hà cũng cho biết: CLB ca trù Thái Hà cũng đã biểu diễn nhiều bài hát lời mới, có ý nghĩa, khi hát lên, khán giả được sống trong không gian gần gũi, thân thuộc nên nhiều người rất thích. Nghệ nhân Thái Hòa cũng khẳng định, việc đặt lời mới cho ca trù không hề ảnh hưởng, mà nó còn góp phần bảo tồn phát triển di sản ca trù, để ca trù dễ dàng sống trong cộng đồng hơn. Tuy nhiên, chị Hòa cũng lưu ý, khi chuyển lời mới, phải nắm chắc được luật bằng - trắc trong câu thơ, phải đảm bảo về nghệ thuật, chuẩn về thể cách, ngân nảy… trong từng bài, từng câu… có như vậy, thì ca trù mới không bị biến dạng, và luôn sống trong công chúng.