Câu lạc bộ Ca trù Thượng Thôn, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, là một trong ba câu lạc bộ ca trù còn tồn tại trên đất Bắc Ninh. Cùng với nỗ lực bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật đang cần bảo vệ khẩn cấp của các cấp chính quyền, những người say mê ca trù ở Thượng Thôn vẫn ngày ngày "tiếp lửa" cho những thế hệ kế cận, gìn giữ và phát huy loại hình văn hóa truyền thống của quê hương. Đến Thượng Thôn vào đúng buổi sinh hoạt của câu lạc bộ mới thấy sự say mê nghệ thuật của những người nơi đây. Gần 30 thành viên trong câu lạc bộ Ca trù Thượng Thôn quây quần bên chiếc chiếu trầu say sưa với lời ca, nhịp phách, tiếng đàn. Hơn 20 ca nương, miệng đồng thanh vang lên bài hát “Hồng hồng, tuyết tuyết” với chất giọng thanh, vang, hai tay rành rọt đánh từng nhịp phách vừa chắc vừa giòn cùng sự phối hợp nhịp nhàng của kép trống, đàn phụ họa.
Cụ Mẫn Thị Chung (ngoài cùng bên phải) đang truyền dạy ca trù cho các cháu. |
Là người cao tuổi nhất, cũng là thầy dạy chính trong Câu lạc bộ Ca trù Thượng Thôn, cụ Mẫn Thị Chung (87 tuổi) tâm sự: Ca trù xuất hiện trên đất Thượng Thôn hàng trăm năm, người có công truyền dạy đến nhân dân trong làng là ông Đào Thư Từ và được suy tôn là ông tổ nghề hát. Trải qua năm tháng, ca trù đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Cụ Chung nhớ lại: Thượng Thôn ngày ấy, hễ là con trai ai cũng biết chơi đàn đáy, con gái biết hát ả đào. Chẳng cần qua trường lớp đào tạo nào, chỉ dựa vào truyền khẩu, truyền tay, mà con gái cứ 13, 14 tuổi là thạo ca, phách; con trai 15, 16 tuổi biết đánh trống, đánh đàn. Trong làng xuất hiện nhiều đào nương nổi tiếng, kép đàn hay, tay trống giỏi, quanh năm suốt tháng được mời đi biểu diễn khắp nơi. Lúc đó, ở Thượng Thôn, nhà nhà đều thành lập gánh hát với nhiều thế hệ trong một gia đình, cả làng sống bằng nghề ca công, đến mùa xuân đi hát tại các cửa đình, ngày thường đi biểu diễn khắp các tỉnh phía Bắc.
Đất nước rơi vào cảnh chiến tranh, nhà thờ tổ bị bom đạn tàn phá, nghề hát ca trù cũng đứt gánh từ đó. Không cam chịu nguy cơ thất truyền của loại hình nghệ thuật truyền thống của ông cha, hai anh em ông Đào Xuân Tràng (78 tuổi) và bà Đào Thị Xuyến (70 tuổi) cùng ở Thượng Thôn đã đi vận động những người biết và yêu ca trù trong thôn cùng đóng góp kinh phí mua nhạc cụ, thành lập câu lạc bộ năm 2008. Từ khi thành lập, số lượng hội viên tham gia ngày một đông. Ban đầu chỉ gồm những cụ già có độ tuổi từ 70 trở lên, sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, hiện câu lạc bộ thu hút 30 hội viên có độ tuổi từ 9 - 88 tuổi, nhiều nhất ở độ tuổi 45 - 60 tuổi, trong đó có 7 cháu từ 9 đến 13 tuổi. Đây chính là “mầm sống” của ca trù Thượng Thôn sau này. Tiêu biểu trong số này có tay trống Nguyễn Văn Sang, mới 9 tuổi, nhưng đã thành thạo được nhiều bài trống; ca nương Đào Thị Quỳnh, Nguyễn Thị Hậu, Đào Thị Nhung mới 11 tuổi nhưng đã hát được các thể loại hát nói, múa cửa đình...
Ông Đào Xuân Tràng, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: Ban đầu việc thành lập câu lạc bộ rất khó khăn, ông và bà Đào Thị Xuyến, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ phải đến từng gia đình, vận động các cụ già am hiểu ca trù, thuộc những gia đình có truyền thống nhiều thế hệ biểu diễn cùng tham gia vào câu lạc bộ, đóng góp kinh phí mua nhạc cụ và hoạt động. Tuy nhiên, do nhiều năm không được thực hành nên ban đầu các cụ gặp nhiều bỡ ngỡ, nhớ đến đâu truyền dạy đến đó. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng đi vào thực hành “chất cốt” vốn có đó dần được hé mở, thậm chí thăng hoa, niềm yêu ca trù được truyền từ đời này qua đời khác. Cứ vào 19 giờ những ngày cuối tuần, không ai bảo ai, những người yêu ca trù Thượng Thôn lại tất bật kéo nhau ra đình làng. Trong đó, nhiều gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh hoạt, tiêu biểu như gia đình cụ Mẫn Thị Chung, Đào Xuân Tràng...
Sự “hồi sinh” của làn điệu ca trù ở Thượng Thôn đã thắp lên niềm hy vọng khôi phục di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của nhân loại nơi đây, tuy vậy việc bảo tồn vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Cụ Mẫn Thị Chung cho biết: Càng yêu ca trù, cụ càng thấy lo lắng trước vận mệnh tương lai của loại hình nghệ thuật đang cần bảo vệ khẩn cấp này hơn bao giờ hết, khi ngay trên mảnh đất ca trù đã từng phát triển hàng trăm năm chỉ còn số ít người biết và hiểu về nó. Ngay chính những người cao niên trong thôn, sống trong gia đình có nhiều thế hệ từng đi biểu diễn ca trù khắp nơi, cũng không nhớ được nhiều lề lối, cách thức biểu diễn... Bên cạnh đó, công tác truyền dạy trong câu lạc bộ không được bài bản, phần lớn các cụ tự tìm tòi qua băng, đĩa, nhớ lại từ quá khứ rồi truyền dạy cho các lớp kế cận, bởi vậy hiệu quả bảo tồn không cao.
Ông Đào Xuân Tràng tâm sự: “Nguyện vọng lớn nhất của tôi bây giờ là đào tạo được lớp đào kép trẻ vững tay nghề và gắn bó lâu dài với ca trù, lưu lại một nét văn hóa truyền thống của cha ông. Để điều ấy trở thành hiện thực, có lẽ chỉ với sự nhiệt tình, đam mê cháy bỏng và tâm huyết thôi chưa đủ, cần sự quan tâm thiết thực của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và tỉnh, đặc biệt cần sớm tạo điều kiện cho câu lạc bộ nơi tập luyện ổn định, có sự đào tạo bài bản, chính quy cho những người yêu ca trù và nhất là cần nhanh chóng rà soát, phong tặng danh hiệu nghệ nhân, có chính sách đãi ngộ với những người có công lưu giữ, truyền dạy ca trù ngoài cộng đồng”.
Bài và ảnh: Thanh Thương