Trong mạch chảy văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nghệ thuật ca trù đã thể hiện trọn vẹn những nét tinh túy của một loại hình nghệ thuật dân gian bác học. Trong đó, câu lạc bộ ca trù Thái Hà của dòng tộc họ Nguyễn đã có công gìn giữ những nét tinh túy của nghệ thuật ca trù đất Thăng Long xưa, ngay cả khi nghệ thuật ca trù bị lãng quên, gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi vẫn âm thầm truyền dạy bộ môn nghệ thuật này cho con cháu đời sau. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi, hậu duệ đời thứ 5 của nhóm ca trù Thái Hà cho biết, tính đến nay, CLB ca trù Thái Hà có 7 đời làm nghề và truyền dạy ca trù. Người đầu tiên mang ca trù về cho dòng tộc họ Nguyễn là cụ ông Nguyễn Đức Ý, sinh năm 1820 - đỗ thủ khoa năm Nhâm Tý, năm 1852 làm quan tại huyện Gia Lộc (Hải Dương). Cụ vốn yêu thích nghệ thuật ca trù nên đã học đánh đàn và hát ca trù, sau này về dạy lại cho con cháu trong nhà. Từ đó, con cháu trong dòng họ Nguyễn ở đất Thăng Long tiếp tục gìn giữ, truyền dạy nghệ thuật ca trù trong dòng tộc.
Câu lạc bộ ca trù Thái Hà. Ảnh: Gia đình nghệ nhân cung cấp. |
Dưới thời vua Thành Thái, gia đình có cụ bà Nguyễn Thị Tuyết, hát hay vào bậc nhất kinh kỳ, được cử vào cung dạy múa hát cho các công chúa, bà được nhà vua vô cùng trọng dụng, giao cho trọng trách quản lý hệ thống ca trù trong cung đình. Nhà vua còn ban thưởng cho gia đình mảnh đất tại ấp Thái Hà để xây đình Ca Công. Đình này được xem như nhà hát riêng của dòng họ. Giáo phường ca trù Thái Hà khi đó được coi là một trong những giáo phường ca trù nổi tiếng nhất của đất kinh kỳ. Đến đời thứ tư, ông Nguyễn Văn Xuân, nghệ nhân đàn đáy lừng danh Bắc Hà và bà Phán Huy (còn gọi là bà Phẩm), nổi danh bởi tiếng phách khuôn phép mẫu mực cũng là những nhân tài của dòng họ, đưa danh tiếng của giáo phường ca trù Thái Hà đi xa.
Đầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp vào chiếm đóng Hà Nội, việc gìn giữ, truyền dạy nghệ thuật ca trù gặp khó khăn. Khi đó, cứ nhắc đến ca trù, mọi người nghĩ ngay đến các tệ nạn ở phố Khâm Thiên, do vậy các đào kép của giáo phường nói chung không dám làm nghề vì sợ mang tiếng xấu. Rồi hai cuộc chiến tranh liên tiếp xảy ra, càng làm cho ca trù bị mai một và có nguy cơ thất truyền.
Nhìn những nghệ nhân chân chính của dòng tộc phải bỏ nghề, nhìn nghề nghiệp của tổ tiên có nguy cơ bị mai một, nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi đã tìm mọi cách để giữ gìn nghiệp của tổ tiên. Thế là, vào những ngày giỗ trong họ, gia đình tổ chức những canh hát ca trù ở trong gia đình, mời những danh ca, kép đàn nổi tiếng như NSND Quách Thị Hồ, NSƯT Nguyễn Thị Phúc, Phó Thị Kim Đức, bà Nguyễn Thị Phẩm (Phán Huy), bà Trần Thị Ngọ, Phó Đình Kỳ, Đinh Khắc Ba và một số các nhà nghiên cứu thời ấy như Ngô Linh Ngọc, Nguyễn Xuân Khoát, Chu Hà... cùng tham gia, ôn lại những kỷ niệm của dòng họ, giáo dục các con có trách nhiệm bảo tồn và tiếp nối truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi còn gửi gắm con cái đến những nghệ nhân có tiếng, động viên và hướng các con học đàn, hát ca trù để để giữ nghiệp tổ tiên. Hai người con trai là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Mạnh Tiến trở thành hai kép đàn, cô con gái Nguyễn Thị Hòa trở thành ca nương, ông còn động viên hai con trai vào học tại Nhạc viện Hà Nội để giúp các con mở rộng thêm kiến thức về âm nhạc, góp phần bảo tồn truyền thống gia đình một cách tốt hơn.
Năm 1991, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết từ Pháp về Việt Nam làm cầu nối đưa ca trù tới Pháp, gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi đã có buổi biểu diễn đầu tiên ở Pháp, rồi sau đó là những chuyến lưu diễn ở Pháp, Bỉ, Hà Lan, Anh, Nhật, Thụy Sĩ… Những chuyến lưu diễn và sự trân trọng nghệ thuật ca trù đã thôi thúc gia đình ông thành lập CLB ca trù Thái Hà. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi tâm sự, cho đến nay, ông vẫn không thể quên những kỷ niệm khi đến biểu diễn ở Pháp. Buổi biểu diễn nào cũng đông kín người Pháp và Việt kiều ở Pháp tới xem. Mỗi khi diễn xong, gia đình ông lại bị bà con Việt Kiều kéo đi, nhiều người nghe ca trù xong đã khóc vì nhớ người thân. Mọi người đều cảm thấy rất vui và tự hào, vì Việt Nam cũng có âm nhạc tinh túy chứ không phải chỉ học âm nhạc phương Tây… Năm 1996, con gái của nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi - ca nương Thúy Hòa được trao giải thưởng “Cú sốc âm nhạc” của Pháp với số lượng đĩa hát phát hành tại đất nước này lên tới 200.000 bản.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi cho biết, từ khi thành lập, CLB đã có nhiều hoạt động làm sống lại nghệ thuật ca trù, từng bước đưa ca trù trở lại như tổ chức biểu diễn hai buổi mỗi tuần ở Hàng Buồm không bán vé để những người yêu ca trù có thể tới thưởng thức và tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này. Rồi tại phố Hàng Bồ, CLB “Sắc Việt” của nhóm ca trù Thái Hà đã biểu diễn đều đặn 6 buổi mỗi tuần, kéo dài khoảng 4 năm, rồi những buổi biểu diễn ở Trần Hưng Đạo, Nghi Tàm… Ở đâu, CLB cũng để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách trong và ngoài nước. Được quỹ Ford cùng Cục Nghệ thuật biểu diễn tài trợ, CLB ca trù Thái Hà đã tham gia truyền dạy hát ca trù cho gần 30 câu lạc bộ ca trù ở các địa phương. Nhiều người nước ngoài đến từ các nước Anh, Pháp, Mỹ cũng tìm đến xin học hát, đến tìm hiểu tư liệu để làm luận án về ca trù… gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi vẫn nhiệt tình truyền dạy, chỉ với mong muốn gìn giữ những nét đẹp của nghệ thuật ca trù truyền thống.
Anh Nguyễn Văn Khuê, hậu duệ đời thứ 6 của dòng họ Nguyễn, nghệ nhân đàn đáy trong CLB ca trù Thái Hà cho biết, hiện nay, CLB ca trù Thái Hà còn lưu giữ được hơn 30 làn điệu ca trù cùng với một kho băng đĩa ca trù của các nghệ nhân nổi tiếng trong và ngoài dòng tộc, đã được sưu tầm từ năm 1927 - 1935, với nhiều làn điệu cổ, làn điệu khuôn mẫu của ca trù. Đó là di sản của dòng tộc mà ca trù Thái Hà được thừa hưởng, đây cũng là những tư liệu sống để góp phần đưa nghệ thuật ca trù trở lại với đời sống cộng đồng.
Phương Hà