Đánh giá về nền văn học Việt Nam, nhà thơ Andrzej Grabowski, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Ba Lan, Giám đốc Liên hoan thơ Galicja nhận xét: “Khi điểm lại những thành tựu của văn học Việt Nam, chúng ta mới thấy trong đó thế hệ các nhà văn, nhà thơ là những người lao động nghiêm túc và có sự nhạy cảm tuyệt vời, họ đã ghi lại được tất cả những gì của lịch sử dù là nhỏ nhất, và khẳng định được cái riêng của mình trong cái chung của thời cuộc”.Nhiều nhà thơ, nhà văn, dịch giả quốc tế đã nhận định Việt Nam là đất nước nước nghìn năm văn hiến, có nền giáo dục lâu đời là nền tảng để có nhiều nhà văn, nhà thơ giỏi, cho ra đời rất nhiều tác phẩm có giá trị. Nền văn học cổ điển với những tên tuổi lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… đã được đánh giá cao ở nhiều nước. Văn học thời kỳ chiến tranh cũng là những tác phẩm được độc giả các nước yêu thích và quan tâm khá nhiều với nhiều tên tuổi lớn.
“Có thể khẳng định nền văn học Việt Nam là một nền văn học đã theo suốt cả chiều dài lịch sử của dân tộc, luôn đi chung đường với Tổ quốc và đồng lòng với nhân dân. Mỗi chặng đường lịch sử, đều có những tác phẩm có giá trị mang đậm dấu ấn của lịch sử, đã đóng góp quan trọng cho văn học Việt Nam và nền văn học thế giới và sự tiến bộ của loài người”, dịch giả người Trung Quốc Chúc Ngưỡng Tu nhận xét.
Nhiều nhà văn, nhà thơ quốc đánh giá cao nền văn chương của Việt Nam. |
Cũng theo dịch giả Chúc Ngưỡng Tu, ông đã từng đọc và dịch rất nhiều thể loại văn học Việt Nam, có cả tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ... điều đó đã cho ông niềm yêu thích đặc biệt với văn học Việt Nam. Ông cũng từng dịch một truyện ngắn, chỉ vỏn vẹn có 2.200 chữ nhưng đã được rất nhiều người khen hay.
Tuy số lượng các tác phẩm ra được bên ngoài ranh giới quốc gia chưa phải là nhiều, nhưng những tác phẩm đã từng đến với độc giả các nước đều nhận được những sự yêu thích đặc biệt. Được quan tâm nhất có lẽ là giai đoạn văn chương cách mạng với nhiều tên tuổi lớn như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải, Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu, Tố Hữu, Xuân Diệu...
“Vừa qua, tôi có tìm đọc những tiểu thuyết phiêu lưu của các nền văn học kinh điển thế giới có liên quan đến các hòn đảo như: “Những hòn đảo bí mật” của Jules Verne, “Đảo giấu vàng” của Robert Stevenson, “Robinson Crusoe” của Daniel Defoe và “Đảo hoang” của Tô Hoài. Qua đọc và nghiên cứu tôi thấy, cuốn tiểu thuyết của tác giả Việt Nam không hề kém cạnh so với các tác phẩm khác, thậm chí còn có nhiều điểm xuất sắc hơn như: tuyến cốt truyện thú vị, nhiều tình tiết hấp dẫn, nhiều thông tin về văn hóa lịch sử đất nước... Cuốn sách của Tô Hoài chỉ là một ví dụ cụ thể, những tôi có thể khẳng định rằng đông đảo người đọc Nga không bỏ qua những bản dịch thú vị của các tác phẩm văn học Việt Nam”, Trưởng ban Biên tập Hãng Thông tấn quốc tế “Nước Nga ngày nay” chia sẻ.
Văn học chiến tranh của Việt Nam cũng là dòng văn học được đánh giá cao và được độc giả nhiều nước yêu thích vì đã cho họ thêm hiểu và đồng lòng với sự nghiệp đấu tranh của Việt Nam. Đặc biệt là sức hấp dẫn từ những góc tiếp cận sáng tạo của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam.
Theo nhà thơ Mỹ Martha Collins: “Tôi đã từng được cộng tác dịch tác phẩm với 3 nhà thơ Việt Nam là: Nguyễn Quang Thiều, Lâm Thị Mỹ Dạ và Ngô Tự Lập và tôi đã học được rất nhiều từ họ, họ đã có những bài thơ rất hay về chiến tranh. Những bài thơ đó tuy không nói trực diện về chiến tranh nhưng tôi lại thấy chiến tranh hiện hữu ở khắp mọi nơi cùng những hậu quả của nó. Cũng bởi những góc nhìn mới và sáng tạo như vậy đã cho người ta có thể hiểu về những hậu quả và di chứng của chiến tranh, một vấn đề đáng để khám phá ngang với những sự kiện trong cuộc chiến”.
Cách thể hiện văn chương bằng ngôn ngữ điêu luyện cũng là một thế mạnh của văn học Việt Nam nói chung, theo nhiều đánh giá của các dịch giả, nhà văn, nhà thơ nước ngoài, điều này đôi khi còn “làm khó những người dịch” khi làm công tác dịch thuật các tác phẩm tiếng Việt ra tiếng các nước khác. Tuy được đánh giá cao cả về số lượng và chất lượng các tác phẩm, nhưng văn học Việt Nam mới chỉ được nhắc đến nhiều với các tác phẩm văn học cổ điển và thời kỳ cách mạng. Còn hiện nay là thời của các tác phẩm đương đại thì lại chưa được nhắc tới nhiều, thậm chí nhiều chuyên gia nước ngoài cũng thường xuyên đặt câu hỏi về nền văn học đương đại với hơi thở thời đại của Việt Nam đang như thế nào? Các kỳ hội nghị và các hoạt động giao lưu trên thế giới đều có nhà văn trẻ Việt Nam tham dự nhưng chưa thực sự khẳng định được gương mặt văn học đương đại.
Tuy nhiên, hoàn toàn tự tin, nhà thơ Ba Lan, Andrzej Grabowski khẳng định: “Một dân tộc đã nuôi dưỡng được những nhà thơ, nhà văn nhạy cảm và tinh tế như Việt Nam thì các bạn hoàn toàn có thể yên lòng về sự phát triển của nền văn học trong tương lai. Hiện nay, các tác giả hiện đại có nền tảng vững chắc của một nền văn học nhiều thành tựu trong quá khứ để tìm về, và chắc chắn sẽ không có ai lạc lối nếu biết cảm nhận truyền thống đó ở những “người thầy” của mình”.
Tạ Nguyên