Tuyên truyền Đề án Di sản đương đại Mang Thít

Ngày 16/2, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị Tuyên truyền Đề án Di sản đương đại Mang Thít cho người dân thuộc các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Hòa Tịnh, Nhơn Phú (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long).

Chú thích ảnh
Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long giới thiệu về Đề án Di sản đương đại Mang Thít. 

Tại Hội nghị, các hộ dân được nghe triển khai nội dung về Đề án Di sản đương đại Mang Thít và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thuộc đề án, đồng thời được giải đáp những thắc mắc về hình thức bảo tồn lò gạch, quy trình triển khai đề án.

Ông Dương Văn Thu, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít cho biết, thời gian qua, tình hình sản xuất gạch của người dân gặp khó khăn, nhiều lò gạch đã bị bỏ hoang, hư hỏng. Người dân đề nghị ngành chức năng và địa phương sớm triển khai chính sách hỗ trợ để có điều kiện tiếp tục giữ lò gạch, chờ đề án thực hiện. Đồng thời, ngành chức năng cũng nên hướng dẫn người dân những thủ tục trong quá trình bảo tồn các lò gạch, hướng tới khai thác các lò gạch theo hướng mới như đề án đã đề ra.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu, huyện Mang Thít hiện còn lưu giữ hơn 1.500 lò gạch, gốm truyền thống nằm dọc các con sông, kênh, có tiềm năng khai thác du lịch cao. Việc tỉnh phê duyệt Đề án Di sản đương đại Mang Thít nhằm bảo tồn các lò gạch này, tạo sản phẩm du lịch đặc thù và góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng thu nhập cho người dân địa phương. Nguyên tắc định hướng quy hoạch đề án là giảm thiểu xáo trộn đời sống người dân, hạn chế di dời, khuyến khích chuyển đổi tái định cư tại chỗ và phát triển kinh tế cộng đồng. 

Đặc biệt, nhằm kịp thời bảo tồn hệ thống các lò gạch, gốm hiện có và hình thái không gian xung quanh, đảm bảo cho việc triển khai Đề án, tỉnh Vĩnh Long đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thuộc Đề án. Theo chính sách này, toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060 ha thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm khoảng 5.000 ha thuộc 2 xã An Phước và Chánh An sẽ thuộc phạm vi khoanh vùng dừng tháo dỡ lò gạch và phát triển Đề án.

Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ: Đối với lò loại 1 (những lò còn nguyên vẹn) sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng/lò; đối với lò loại II (những lò đã hư hại hoặc phá dỡ một phần, độ cao từ 5m trở lên) được hỗ trợ 10 triệu đồng/lò; đối với lò loại III (những lò chỉ còn là phế tích, chân lò, độ cao dưới 5m) được hỗ trợ 5 triệu đồng/lò. Chính sách hỗ trợ được thực hiện trong thời gian 1 năm và hỗ trợ 1 lần 100% mức hỗ trợ đối với từng loại lò.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi hội nghị. 

Ông Phan Văn Giàu cho biết, thông qua chính sách hỗ trợ nhằm tiếp sức, tạo sự đồng thuận để người dân gìn giữ lò gạch, gốm, không tháo dỡ, xây các công trình mới trong thời gian chờ đề án được triển khai. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các địa phương rà soát danh sách và triển khai các nội dung của chính sách hỗ trợ này. Do đó, người dân trong vùng thực hiện đề án cần phối hợp với ngành chức năng và địa phương, cam kết không tháo dỡ các lò gạch hiện có, giữ gìn không gian xung quanh lò.

Trong thời gian tới, ngành khẩn trương hoàn nhiệm vụ quy hoạch đề án Di sản đương đại Mang Thít trình Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua để triển khai các công đoạn tiếp theo, đồng thời, phối hợp các địa phương trong vùng dự án tuyên truyền, giải đáp những thắc mắc để người dân đồng thuận cùng thực hiện, sớm đưa đề án vào thực tiễn cuộc sống.

Tin, ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Xây dựng ý thức, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam 
Xây dựng ý thức, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam 

Sáng 11/2, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Việt Nam phối hợp cùng Chùa Minh Đạo, Quận 3, TP Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng khóa bồi dưỡng kiến thức bảo tồn các giá trị di sản văn hóa Phật giáo cho chư tôn đức Tăng Ni, chức sắc, chức việc và trụ trì các cơ sở tôn giáo Phật giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng ý thức thống nhất trong công tác quản lý, phương thức bảo vệ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN