Tưởng nhớ công lao hai vị anh hùng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc

Từ ngày 26 - 28/12/2023 (nhằm ngày 14 - 16/11 Âm lịch), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười), tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ tưởng niệm 157 năm Ngày mất Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thắp hương tưởng nhớ công ơn của Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. 

Đây là hai vị anh hùng đã lãnh đạo nhân dân vùng Đồng Tháp Mười đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp trong những năm 1884 - 1886.

Sự kiện nhằm tưởng nhớ công ơn hai vị anh hùng của dân tộc; giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ. Đây cũng là hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân; đồng thời, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, tiềm năng du lịch của Đồng Tháp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lễ tưởng niệm được tổ chức theo nghi thức tín ngưỡng văn hóa dân gian truyền thống với chương trình gồm: phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ có các nghi thức như: Thỉnh sắc thần, cúng cầu an, lễ cúng Thần Nông, lễ chánh tế Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. 

Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao như: Triển lãm ảnh nghệ thuật về sen, danh lam thắng cảnh, làng nghề, quê hương Đồng Tháp; biểu diễn ca cảnh cải lương "Hào khí đất phương Nam"; không gian văn hóa làng nghề và không gian đờn ca tài tử; giới thiệu tour, tuyến du lịch Đồng Tháp; hoạt động chợ quê Gò Tháp; trưng bày sản phẩm địa phương, sản phẩm khởi nghiệp và trò chơi dân gian…

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, với tài trí thao lược của mình cùng sự giúp sức đắc lực của Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và các tướng lĩnh, Thiên hộ Võ Duy Dương đã xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười trở thành một đại bản doanh của cuộc kháng chiến chống Pháp trong những năm 1864 - 1866; đưa cuộc chiến đấu chính nghĩa của ông trở thành ngọn cờ đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước của nhân dân Nam Bộ.

Gò Tháp - nơi đặt đại bản doanh của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương đã trở thành một điểm sáng trong bức tranh lịch sử chống thực dân Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Dưới sự lãnh đạo của Thiên hộ Võ Duy Dương, nhân dân Đồng Tháp Mười đã nêu cao truyền thống kiên trung, bất khuất, chống giặc giữ nước của người dân Nam Bộ. 

157 năm đã trôi qua nhưng tình cảm và sự ngưỡng mộ đối với sự nghiệp chống giặc giữ nước của Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều luôn sâu nặng trong lòng người dân Đồng Tháp Mười, nhất là vùng Gò Tháp. Để tỏ lòng tôn kính và khâm phục trước sự hy sinh của hai vị anh hùng, nhân dân nơi đây đã lập đền thờ và tổ chức lễ tưởng niệm hằng năm. Đây dần trở thành lễ hội truyền thống tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp và lan tỏa ra khắp vùng Đồng Tháp Mười; trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa - xã hội của cư dân nơi đây.

Chú thích ảnh
Đông đảo người dân đến viếng, tưởng niệm ngày mất Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. 

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết thêm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp đang lập hồ sơ đề nghị đưa Lễ tưởng niệm hai vị anh hùng Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Gò Tháp vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia để từng bước nâng tầm và phát huy giá trị di sản.

Tin, ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Tưởng nhớ bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, giúp đỡ người dân Cao Lãnh
Tưởng nhớ bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, giúp đỡ người dân Cao Lãnh

Sáng 25/7, tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã diễn ra Lễ giỗ lần thứ 203 của ông, bà Đỗ Công Tường - bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang và cưu mang, giúp đỡ người dân Cao Lãnh nói riêng và Đồng Tháp nói chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN