Khám phá và trải nghiệm
Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, trên cơ sở xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, trước yêu cầu phát triển bền vững, ngành Du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời nhấn mạnh, phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Thực tế phát triển du lịch ở nhiều địa phương Đông Nam Bộ hiện nay có thể nhận thấy, trên cơ sở nền tảng tài nguyên văn hóa, mỗi địa phương đều đang chọn những điểm nhấn nổi bật nhất trong hệ thống các di tích, di sản văn hóa phi vật thể là những lễ hội, làng nghề, nghề truyền thống hay nét văn hóa tín ngưỡng để đưa vào khai thác du lịch.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, du lịch Thành phố xác định 4 nhóm sản phẩm chính đang có sức hút lớn với du khách là văn hóa lịch sử, hội nghị - hội thảo - triển lãm, du lịch kết hợp ẩm thực và du lịch kết hợp mua sắm. Từ đó, mang đến cho khách du lịch những khám phá và trải nghiệm mang dấu ấn riêng của điểm đến.
Một dẫn chứng tiêu biểu cho thấy di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch đang mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm đặc biệt và thú vị, đó là điểm đến tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở HĐND - UBND Thành phố Hồ Chí Minh (mở cửa đón du khách vào dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5). Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, chương trình tham quan tiếp tục được thực hiện. Sau đó, từ điểm đến này sẽ mở cửa đón du khách vào hai ngày cuối tuần của mỗi cuối tháng đến cuối năm; giới thiệu đến du khách một sản phẩm du lịch văn hóa mới ở ngay nội đô Thành phố sôi động phương Nam.
Là một trong những vị khách đầu tiên được tham quan, trải nghiệm di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở HĐND - UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cựu chiến binh Lê Tiến Dũng (phường Đông Ba, thành phố Huế) chia sẻ, ông là một trong những du khách may mắn tham quan di tích đúng dịp 30/4. Đây thực sự là những trải nghiệm ý nghĩa. Ông đã được giới thiệu, tận mắt chiêm ngưỡng công trình kiến trúc trải qua hơn 110 năm tồn tại được trang trí cầu kỳ, tinh xảo từ những hoa văn, đường nét điêu khắc; qua đó, hiểu hơn về quá trình hình thành và phát triển của đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.
Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, du lịch gắn với văn hóa là loại hình du lịch có sức hút rất lớn đối với du khách, nhất là khách quốc tế. Vì vậy, tỉnh đã tập trung liên kết với các tỉnh, thành phố, các đơn vị hàng không, lữ hành quốc tế để xây dựng, quảng bá, khai thác sản phẩm du lịch văn hóa; từ đó, bổ trợ, phát triển các loại hình du lịch khác. Địa phương còn liên kết với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ để xây dựng các tour liên kết vùng, mang đến cho du khách thêm nhiều trải nghiệm văn hóa.
Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có khá nhiều lễ hội truyền thống đã trở thành sản phẩm du lịch, điểm đến tham quan di tích gắn với lễ hội. Đơn cử như: Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ giỗ Bà Phi Yến (diễn ra từ ngày 1 - 18/10 âm lịch hàng năm) tại di tích An Sơn miếu, huyện Côn Đảo. Đến đất thiêng Côn Đảo, du khách được chứng kiến, cùng tham gia các hoạt động thành tâm cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà bình an. Sau đó, họ được hòa mình vào không khí lễ hội sôi động, náo nhiệt với các trò chơi dân gian, thi cắm hoa bày mâm cỗ, viết thư pháp, biểu diễn đờn ca tài tử.
Lễ hội Nghinh Ông đình thần Thắng Tam là một Di sản Văn hóa cấp Quốc gia (diễn ra từ ngày 16 -17/8 âm lịch) tại các khu vực Bãi Trước, bờ kè biển Cáp treo Vũng Tàu, khu vực Miếu Hòn Bà, bãi biển Thùy Vân và Khu Di tích Đình Thắng Tam. Hàng năm, Khu di tích và lễ hội này thu hút trên 10 nghìn lượt du khách đến tham dự, trải nghiệm nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa vùng biển gồm: lễ rước, cúng giỗ, lễ thỉnh sắc thần, cúng tế cùng các trò chơi dân gian tái hiện các hoạt động của ngư dân (như: thi câu cá, đan lưới, kéo co, thi đấu cờ ca rô trên cát).
Khác với Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh là địa phương không có biển, song lại có đường biên giới dài 240 km giáp Vương quốc Campuchia, có nhiều điểm đến nổi bật như: núi Bà Đen được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Nam Bộ”, Vườn Di sản ASEAN - Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh...
Tỉnh đang thực hiện đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển nhiều sản phẩm mới mang nét đặc trưng văn hóa độc đáo của địa phương. Tây Ninh đang từng bước ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch cả nước khi những thế mạnh được phát huy để hình thành nhiều sản phẩm độc đáo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Đức Trong cho biết.
Nhiều du khách mong muốn đến Tây Ninh trải nghiệm, khám phá bởi câu nói quen thuộc “Tháng Giêng, tháng Tám về Tây Ninh xem lễ”. Điều này phần nào cho thấy, một trong những “đặc sản” của du lịch địa phương chính là du lịch văn hóa, du lịch gắn với tâm linh, tín ngưỡng. Lễ hội Xuân núi Bà Đen diễn ra từ mùng 4 và kéo dài đến hết tháng Giêng, thu hút hàng triệu du khách. Mỗi năm, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh tổ chức hai dịp Đại lễ là Vía Đức Chí Tôn (mùng 9 tháng Giêng) và Hội yến Diêu Trì Cung (Rằm tháng 8) với nhiều nghi thức độc đáo, thu hút hàng trăm ngàn người dân và du khách đến tham quan, đang làm nên nét riêng cho du lịch văn hóa Tây Ninh. Đặc biệt, Tòa thánh Cao đài Tây Ninh là công trình kiến trúc nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa mỹ thuật kiến trúc Á Đông và phương Tây.
Tăng sức cạnh tranh cho điểm đến
Đề cập đến giá trị của sản phẩm du lịch văn hóa góp phần tăng sức cạnh tranh cho điểm đến, Tiến sĩ Lê Văn Minh (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) cho rằng, xu hướng hiện nay, du khách khi đến một quốc gia, địa phương đều có chung mục đích là khám phá, nghiên cứu, trải nghiệm các giá trị văn hóa. Mỗi dân tộc, quốc gia, địa hương đều có những giá trị văn hóa đặc sắc khác nhau. Do vậy, tài nguyên du lịch văn hóa là yếu tố đặc biệt quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến phát triển du lịch, nhân tố tạo sự khác biệt, tăng sức cạnh tranh cho mỗi điểm đến.
Tăng sức hút cho sản phẩm du lịch bằng những sản phẩm gắn với tài nguyên di sản văn hóa, nhiều địa phương ở Đông Nam Bộ đã góp phần vào phát triển du lịch toàn vùng cũng như cả nước, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Tỉnh Bình Phước là cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội của vùng Đông Nam Bộ với các địa phương vùng Tây Nguyên và các nước Campuchia, Lào, Thái Lan. Địa bàn tỉnh có một số di tích lịch sử - văn hóa đồng thời trở thành điểm đến du lịch, đó là: Di tích Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Núi Bà Rá - Thác Mơ, Không gian văn hóa gắn với Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Cùng với đó, Bình Phước còn có nhiều sản phẩm du lịch gắn với các lễ hội, nghề thủ công truyền thống như: Lễ hội Miếu Bà Rá Phước Long, Lễ hội phá bàu của đồng bào Khmer, Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc S’tiêng...
“Tỉnh xác định các giá trị di sản văn hóa là nguồn tài nguyên phong phú tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, có sức hút mạnh mẽ đối với du khách. Để tạo sự khác biệt, mang sức cạnh tranh cao, Bình Phước đã tổ chức, phục dựng một số lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc như mừng lúa mới, phá bàu, xuống đồng…” - ông Đỗ Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước cho hay.
Hàng năm, Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng được tổ chức khi những cánh đồng lúa chín vàng đã được gặt hái với ý nghĩa tạ ơn các thần linh, đất trời đã phù hộ cho người dân có được mùa màng bội thu; đồng thời, gửi gắm mong ước một năm tiếp theo mưa thuận, gió hòa. Trong khuôn khổ Lễ hội có lễ gọi và tạ ơn thần lúa, vui múa cồng chiêng, cõng nước về làng, giã gạo, nấu cơm lam, canh thụt, thưởng thức các đặc sản ẩm thực. Với mục đích vừa lưu giữ nét văn hóa, vừa hoàn thiện để trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù, tháng 4/2023 tại Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng), Lễ hội Mừng lúa mới đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước phục dựng, đem lại nhiều trải nghiệm bất ngờ và thú vị cho du khách.
Tỉnh Tây Ninh lựa chọn các tài nguyên văn hóa mang tính đặc thù để quảng bá, giới thiệu đến du khách sản phẩm du lịch độc đáo, không trùng lặp với các địa phương trong vùng. Các Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia như: Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, tri thức dân gian nghệ thuật chế biến món ăn chay ở các huyện Gò Dầu, Tân Châu, Dương Minh Châu... đã được gìn giữ, phát huy giá trị, xây dựng thành các sản phẩm ấn tượng.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh Trần Anh Minh, từ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tháng 2/2023, lần đầu tiên tỉnh tổ chức Lễ hội nghệ thuật chế biến món ăn chay, giới thiệu trên 200 món ăn chay, thu hút trên 25.000 lượt người dân và du khách đến tham dự. Đây được xem như một sản phẩm du lịch hoàn toàn mới để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm cho du khách, nâng cao tính cạnh tranh, góp phần tạo bứt phá mới cho du lịch địa phương. Năm 2023, du lịch Tây Ninh dự kiến đón 5 triệu du khách, doanh thu ước đạt 1.800 tỷ đồng.
Bài cuối: Kết nối và nâng tầm `