Danh nhân Hoàng Hoa Thám tên thật là Đoàn Văn Nghĩa (1836-1913) quê ở làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, nay thuộc xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông là vị thủ lĩnh tiêu biểu của cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế - phong trào yêu nước chống Pháp rộng lớn nhất, kéo dài nhất và ảnh hưởng sâu sắc nhất tới xã hội Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Để tỏ lòng tri ân, tôn vinh sự nghiệp và những cống hiến của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, đồng thời cũng tạo thêm một địa chỉ văn hóa, giáo dục truyền thống cho thế hệ tương lai, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo đền thờ danh nhân Hoàng Hoa Thám trên nền móng cũ của gia đình danh nhân.
Sau hơn 1 năm thi công (từ ngày 1/10/2018), công trình đã hoàn thành với diện tích hơn 3.000 m2 gồm nhiều hạng mục như: Nghi môn, nhà tưởng niệm, tả vu, hữu vu, nhà đón khách, sân vườn.
Đền thờ danh nhân Hoàng Hoa Thám là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc cho các thế hệ tương lai. Đây cũng là điểm đến văn hóa đối với các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh muốn tìm hiểu về lịch sử, thân thế, sự nghiệp về người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám.
Phát biểu tại lễ khánh thành, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên yêu cầu: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động hơn nữa trong việc tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục đầu tư cùng nguồn vốn xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo các di tích, danh nhân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình trải nghiệm cho học sinh thông qua việc tham quan các khu lưu niệm danh nhân, bảo tàng, nhà truyền thống, qua đó hun đúc tình yêu quê hương, đất nước của thế hệ trẻ.