Tu bổ lăng Ngô Quyền, Đường Lâm: Dừng thi công để điều chỉnh thiết kế

Liên quan đến dự án tu bổ, tôn tạo đền thờ và lăng Ngô Quyền ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), ngày 15/3, UBND thị xã Sơn Tây đã tổ chức hội nghị báo cáo tiến độ thực hiện dự án. Hội nghị có sự tham dự của đại diện Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, chính quyền xã Đường Lâm và dòng họ Ngô.

Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều về việc tu sửa lăng Ngô Quyền chưa đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật và thiết kế. Mặc dù công trình đang thi công dở, chưa được nghiệm thu nhưng bà con dòng họ Ngô và nhân dân địa phương cho rằng đơn vị thi công làm không đảm bảo, nhất là việc tu sửa, đắp con vật trên tấm bình phong giống "quái vật". Trong khi đó, đơn vị thi công cho rằng, việc đắp tấm bình phong còn nhiều công đoạn và chưa hoàn thành nên việc đánh giá công trình không đảm bảo chất lượng là chưa có cơ sở. Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phê duyệt đồng ý triển khai dự án.

Phía trước lăng Ngô Quyền đã thông thoáng hơn sau khi bức bình phong được đập bỏ.


Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: Việc triển khai thi công dự án là đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình đọc phê duyệt bản vẽ đến triển khai thi công, mỗi cấp có cách nhìn nhận, trình độ khác nhau nên khi triển khai ra thực tế tấm bình phong chưa được làm như mong muốn và chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Việc này, chưa thể quy kết trách nhiệm thuộc về ai vì công trình đang thi công chưa nghiệm thu và cũng chưa để xảy ra sai sót lớn.

Nhưng với tinh thần cầu thị, sớm khắc phục những bất cập, tránh để xảy ra khiếu kiện, thắc mắc sau này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo tạm thời dừng thi công để điều chỉnh thiết kế phù hợp, sau đó lấy ý kiến của đông đảo nhân dân và dòng họ Ngô trước khi tiếp tục xây dựng; quyền lợi của đơn vị thi công vẫn được đảm bảo.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cũng lưu ý: Ban quản lý và nhà thầu xây dựng cần thận trọng, làm đúng quy trình trong việc tháo dỡ và xây dựng những hạng mục quan trọng. Đặc biệt, ý kiến của dòng họ Ngô cho rằng, không nên xây dựng tấm bình phong trong khuôn viên lăng. Đại diện Cục Di sản Văn hóa có quan điểm, việc phá bỏ hạng mục (mặc dù chưa nghiệm thu và đã được Thanh tra Bộ đề nghị tạm đình chỉ các hoạt động xây dựng) cũng phải có ý kiến của các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Lý giải vấn đề này, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đồng thời là đại diện chủ đầu tư cho rằng: Do thiết kế của tấm bình phong chưa đảm bảo mỹ thuật nên đã họp bàn với nhân dân đồng ý để đơn vị thi công điều chỉnh. Việc phá bỏ này đã định thực hiện trước Tết nguyên đán nhưng do ý kiến của dòng họ, nhân dân và một số cơ quan chức năng nên tạm thời để lại. Trong khi chủ đầu tư chưa nghiệm thu thì việc điều chỉnh tấm bình phong cho phù hợp là cần thiết. Ông Phạm Hùng Sơn cũng cho rằng, thời gian qua dư luận phản ánh họa tiết trên tấm bình phong thiếu tính thẩm mỹ đã ảnh hưởng tới yếu tố nhân văn và tâm linh đối với anh linh vua Ngô Quyền, vì vậy cần thiết phải điều chỉnh.

Cũng liên quan đến dự án tu bổ, tôn tạo đền và lăng Ngô Quyền, theo chủ đầu tư, công trình đã hoàn thành ba hạng mục: Lăng Ngô Quyền, hệ thống đường dạo và nhà Thủ từ.


Đinh Thị Thuận
Giữ lấy hồn làng ở đất cổ Đường Lâm
Giữ lấy hồn làng ở đất cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm, thuộc thị xã Sơn Tây, là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao Bằng Di tích lịch sử Quốc gia. Đây là quê hương của nhiều danh nhân, trong đó nổi tiếng nhất là vua Ngô Quyền và Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, vì vậy Đường Lâm còn được gọi là "Đất hai vua".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN