Từ 1/12, phạt tối đa 200 triệu đồng với tổ chức vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Nghị định bao gồm 5 chương, 44 điều, quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Đối tượng áp dụng bao gồm: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; cá nhân, tổ chức có liên quan; tổ chức quy định tại khoản 1 điều này…

Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể như sau: Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 1 đến 12 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 đến 12 tháng.

Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc cải chính, xin lỗi; buộc thu hồi sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật…

Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản là 200 triệu đồng đối với tổ chức và 100 triệu đồng đối với cá nhân.

Bên cạnh đó, các chương của Nghị định quy định rõ nội dung liên quan đến hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xuất bản, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; điều khoản thi hành.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/12/2020.

TTXVN/Báo Tin tức
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Kiên quyết chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động báo chí

Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, sáng 8/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đăng đàn trả lời chất vấn các nội dung liên quan công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính phủ điện tử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN