Mỗi bức vẽ được trưng bày tại triển lãm là một sự “hình ảnh hóa” những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, câu ca vần vè, cho tới những biển hiệu bán hàng, khúc đồng dao... từng quen thuộc trong thời bao cấp của nước ta. Triển lãm giúp người xem quay trở lại một thời kỳ lịch sử trong xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XX, khắc họa một xã hội mà tư duy phân phối bao cấp ăn sâu đến từng ngóc ngách nhỏ nhất của đời sống, với những đặc trưng không thể trộn lẫn.
Dẫu hiển hiện trong những sáng tác dân gian ấy là phản ánh về một xã hội còn vô cùng khó khăn, nhiều nỗi lo lắng nhọc nhằn về những thứ nhu yếu phẩm căn bản của cuộc sống thường nhật: Cái khăn mặt, túi cá khô, cái quần đùi hoa, cuốn sổ gạo, cục gạch xếp hàng..., người xem vẫn thấy cái nhìn quan sát sâu sắc, điềm tĩnh cùng thái độ phản biện hài hước và đôi khi còn vui tươi đến lạ kỳ.
Đến với triển lãm, Ngô Chương Giang, sinh viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cảm thấy rất hứng thú. Em đã biết thêm về một thời khó khăn của những thế hệ đi trước, thêm hiểu về một giai đoạn lịch sử của Việt Nam. Ấn tượng với câu vè trên một bức tranh trong triển lãm “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ”, Chương Giang cho biết, những bức tranh và câu vè cho thấy, mặc dù còn khó khăn nhưng thế hệ thời bao cấp luôn có tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Họa sỹ Thành Phong chia sẻ: Được Công ty Nhã Nam mời tham gia dự án cuốn sách “Thương nhớ thời bao cấp”, anh đã nhận lời bởi đây là cơ hội để tìm hiểu thêm về thời kỳ bao cấp. Đây là dự án đa chiều, phức tạp, kéo dài tới 5 năm, đòi hỏi người thực hiện phải tìm tòi, tra cứu tài liệu, tìm gặp nhân vật từng sống qua thời kỳ bao cấp, các học giả nghiên cứu lịch sử...
Là người sinh ra và lớn lên khi thời bao cấp đã qua, qua bộ tranh này, họa sỹ Thành Phong muốn để người xem, đặc biệt là giới trẻ có thể hình dung được về thời kỳ bao cấp với tinh thần trào phúng, biếm họa, biến những điều khó khăn trong cuộc sống thành những nét vui tươi, dí dỏm, nêu bật nét lạc quan của con người thời bao cấp.
Triển lãm “Thương nhớ thời bao cấp” mở cửa đón công chúng từ ngày 16 - 31/8 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (số 24 Tràng Tiền, Hà Nội).