Triển lãm 'Mộc bản - Bảo vật hoàng triều' và 'Thiên hùng ca sử Việt'

Sáng 27/9, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) đã khai mạc Triển lãm “Mộc bản - Bảo vật hoàng triều” và “Thiên hùng ca sử Việt”.

Đây là hoạt động nhân dịp kỷ niệm 10 năm Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới” (2009-2019). 

Chú thích ảnh
Một bản khắc mộc bản về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại (Đà Lạt). Ảnh tư liệu: TTXVN

Tại triển lãm lần này, Ban Tổ chức giới thiệu những tài liệu có nội dung tiêu biểu, được lựa chọn, chắt lọc trong khối mộc bản đồ sộ gồm 34.619 tấm mộc bản, tương đương với 55.320 bản khắc đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, thành hai chuyên đề phục vụ khách tham quan.

Chuyên đề 1 “Mộc bản - Bảo vật hoàng triều” giới thiệu 10 bức tranh khổ lớn (1,22x2m) có tính mỹ thuật cao, thể hiện hoạt động khắc in mộc bản trước và trong thời Nguyễn, thông tin trích xuất từ những bộ sách sử được lưu giữ trong khối mộc bản. Chuyên đề 2 “Thiên hùng ca sử Việt” giới thiệu 8 tài liệu mộc bản có nội dung đặc biệt quý về các sự kiện lịch sử của dân tộc Việt Nam, từ sự kiện Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán năm 938 đến tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi năm 1428. Cùng với đó là những bức tranh minh họa mang hơi thở từng thời đại, được thiết kế sinh động, đẹp mắt, tôn lên giá trị của các tài liệu quý.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, cho biết: Năm 2019 là dấu mốc kỷ niệm 10 năm đón nhận Bằng Di sản của UNESCO cho khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn. Nhân dịp này, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức cuộc triển lãm. Tại triển lãm, Ban tổ chức đã đưa ra những tài liệu có nội dung tiêu biểu được lực chọn, chắt lọc trong khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn. Thêm vào đó, hình thức cũng được thực hiện một cách sáng tạo, độc đáo và mới lạ thông qua câu chuyện ra đời của Mộc bản. Những giá trị chất chứa trong khối tài liệu Mộc bản cũng như truyền thống anh hùng, bất khuất làm nên khí phách của con người Việt Nam sẽ được thể hiện qua từng nét vẽ.

Chú thích ảnh
Một bản khắc mộc bản về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh tư liệu: TTXVN

Tham dự cuộc triển lãm này, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đã ôn lại quá trình hình thành, phát triển của hệ thống Mộc bản các triều đại được bảo quản, lưu trữ và gìn giữ cho đến hôm nay. Ông mong muốn trong cuộc triển lãm này có thêm một bức tranh khắc họa những trang sử của nhà Nguyễn nói về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của chúng ta, thể hiện công sức của người xưa để lại, là hành trang, vũ khí trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của thế hệ sau.

Tại đây, những người tham dự cũng được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân biểu diễn quá trình chạm khắc chữ trên gỗ, những công đoạn để hình thành mộc bản, cách thức để in ấn văn bản hành chính từ các mộc bản của ông cha ta trước đây…

Triển lãm “Mộc bản - Bảo vật hoàng triều” và “Thiên hùng ca sử Việt” được duy trì thành không gian trưng bày thường xuyên để đón tiếp du khách đến tham quan.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
 Cần nhanh chóng xây dựng phương án và thực hiện số hóa các tài liệu Mộc bản
Cần nhanh chóng xây dựng phương án và thực hiện số hóa các tài liệu Mộc bản

Ngày 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến kiểm tra công tác bảo quản và phát huy tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN