Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tranh cổ động Việt Nam luôn là vũ khí đấu tranh sắc bén, tác động mạnh mẽ đến đông đảo quần chúng nhân dân. Đến thời kỳ xây dựng đất nước, các họa sỹ vẽ tranh cổ động lại tiếp tục đồng hành cùng nhân dân cả nước trong các hoạt động chính trị, văn hóa, thương mại...
Một bức tranh cổ động thời kháng chiến chống Pháp. |
Triển lãm tranh cổ động “Bảo vệ biển đảo của Tổ quốc” do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. 62 tác phẩm của 42 tác giả trên cả nước trưng bày trong triển lãm lần này là sản phẩm của đợt phát động sáng tác mới đây của Hội Mỹ thuật Việt Nam, biểu thị tình yêu Tổ quốc bằng hành động cụ thể của giới nghệ sĩ, đồng thời cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước bền vững; yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sau khi kết thúc triển lãm vào ngày 29/6 tại Hà Nội, triển lãm sẽ tiếp tục diễn ra ở nhiều tỉnh và thành phố khác trong cả nước.
Tranh cổ động là một trong những loại hình của mỹ thuật ứng dụng, mang tính khái quát cao với những yêu cầu phương châm kịp thời, dễ hiểu, lối biểu đạt rõ ràng và thuyết phục. Trên thế giới, tranh cổ động đã có từ lâu, nhằm tuyên truyền cổ động, quảng cáo cho các hoạt động chính trị, văn hóa, thương mại... đặc biệt tranh cổ động được coi trọng, phát triển và đạt được thành công rực rỡ ở các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Ba Lan...
Trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam, tranh cổ động là một loại hình mỹ thuật non trẻ, nhưng đã trưởng thành mau chóng, đáp ứng yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ cách mạng. Cùng với báo chí và truyền đơn, tranh cổ động đã trở thành những vũ khí sắc bén, xung kích, có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm và hành động của đông đảo quần chúng nhân dân, truyền đạt và cổ vũ quần chúng nhân dân hoàn thành nhiệm vụ.
Ở Việt Nam, tranh cổ động gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc. Trong những năm 20 của thế kỷ XX, khi Việt Nam đang bị thực dân Pháp và phong kiến đô hộ, nhiều tổ chức cách mạng đã xuất bản những tờ báo của mình, trên những tờ báo ấy xuất hiện nhiều bức tranh biếm họa, châm biếm, đả kích phục vụ công nông, phục vụ cách mạng.
Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, tranh cổ động Việt Nam xuất hiện từ những ngày tiền khởi nghĩa tháng tám năm 1945. Những bức tranh cổ động đầu tiên ra đời trong bão táp cách mạng với sự có mặt của thế hệ họa sỹ yêu nước, tiêu biểu là Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị... cùng nhiều tác giả giàu tâm huyết với tự do, độc lập của Tổ quốc. Đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các họa sĩ đã đưa nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam lên tầm cao mới, sáng tạo nên những tác phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao.
Các bức tranh cổ động với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, lối biểu đạt rõ ràng mang đậm tính hình tượng và sự thừa hưởng của màu sắc truyền thống trong tranh dân gian, cùng với các khẩu hiệu, chú thích dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc tranh cổ động đã trở thành công cụ truyền tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, truyền tải quyết tâm, ý chí và hành động của cả dân tộc, đồng thời tái tạo chân thực mọi mặt của đời sống xã hội đương thời, cổ vũ toàn dân, toàn quân vững tin vào cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc... Những họa sỹ vẽ tranh cổ động nổi tiếng ở thời kỳ này gồm có họa sỹ Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến, Sĩ Ngọc, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Bích, Trường Sinh, Trần Mai, Trần Gia Bích, Nguyễn Thụ, Huy Oách, Phạm Lung...
"Trải qua hai cuộc kháng chiến của đất nước, nghệ thuật tranh cổ động đã hoàn thành những nhiệm vụ trong những thời khắc cam go nhất. Những bức tranh cổ động như một cuốn sử sống động bằng hình ảnh, bằng ngôn ngữ nghệ thuật trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Các họa sỹ vẽ tranh cổ động là những người gắn bó chặt chẽ với các cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, mặc dù cuộc chiến của người họa sĩ không diễn ra ngoài chiến tuyến, mà diễn ra đằng sau giá vẽ" - họa sỹ vẽ tranh cổ động Trường Sinh nói.
Họa sỹ Ngô Mạnh Lân cũng khẳng định, hiện nay, tuy các phương tiện truyền thông phát triển mạnh, tranh cổ động không còn nhiều tác động như ngày xưa, nhưng nó vẫn là một loại hình nghệ thuật đồng hành cùng các hoạt động, các chiến dịch tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Hàng năm vẫn có những cuộc vận động sáng tác tranh cổ động, những triển lãm tranh cổ động trong những ngày lễ lớn để cổ vũ tinh thần của nhân dân.
Phương Hà